Các nền kinh tế châu Phi sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024

08:51' - 10/04/2024
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế châu Phi phía Nam Sahara sẽ phục hồi từ 2,6% vào năm 2023 lên 3,4% vào năm 2024 và 3,8% vào năm 2025.

Trong báo cáo Africa’s Pulse Report công bố ngày 9/4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế châu Phi phía Nam Sahara sẽ phục hồi từ 2,6% vào năm 2023 lên 3,4% vào năm 2024 và 3,8% vào năm 2025.

 

Theo đó, WB cho biết tiêu dùng tư nhân tăng và lạm phát giảm đang hỗ trợ sự phục hồi kinh tế ở châu Phi phía Nam Sahara.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng sự phục hồi vẫn còn mong manh do điều kiện kinh tế toàn cầu không chắc chắn, nghĩa vụ trả nợ ngày càng tăng, thiên tai thường xuyên cũng như xung đột và bạo lực leo thang. Mặc dù lạm phát đang hạ nhiệt ở hầu hết các nền kinh tế, giảm từ mức trung bình 7,1 xuống 5,1% vào năm 2024, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với mức trước đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, trong khi tốc độ tăng trưởng nợ công đang chậm lại thì hơn một nửa số chính phủ châu Phi đang phải vật lộn với các vấn đề thanh khoản bên ngoài và phải đối mặt với gánh nặng nợ không bền vững.

Nhìn chung, mặc dù dự kiến tăng trưởng cao, tốc độ mở rộng kinh tế trong khu vực vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của thập niên trước (2000-2014). Do đó, những tiến triển này không đủ để có tác động đáng kể đến việc giảm nghèo.

Andrew Dabalen, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại châu Phi, cũng cho biết: “Trong bối cảnh ngân sách chính phủ bị hạn chế, việc giảm nghèo nhanh hơn sẽ không thể đạt được chỉ bằng chính sách tài khóa. Nó cần được hỗ trợ bằng các chính sách mở rộng năng lực sản xuất của khu vực tư nhân để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và tốt hơn cho mọi tầng lớp xã hội”.

Báo cáo của WB cũng nhấn mạnh rằng các nguồn lực bên ngoài để đáp ứng tổng nhu cầu tài chính của các chính phủ châu Phi đang bị thu hẹp và những nguồn lực sẵn có đắt hơn so với trước đại dịch. Đồng thời, cho biết bất ổn chính trị và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên hoạt động kinh tế và có thể hạn chế khả năng tiếp cận lương thực của khoảng 105 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực do xung đột và biến đổi khí hậu.

Báo cáo cũng kêu gọi thực hiện một số hành động chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và công bằng hơn. Những biện pháp này bao gồm khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự di chuyển giữa các thế hệ, hỗ trợ tiếp cận thị trường và đảm bảo rằng các chính sách tài khóa không tạo gánh nặng cho người nghèo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục