Chứng khoán Việt Nam tháng 7: Kỳ vọng "tháng tăng điểm"

07:30' - 01/07/2025
BNEWS Thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh trong tháng 7 và dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa để tìm đến những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực cũng như triển vọng tăng giá trong nửa cuối năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tháng 6 với tâm thế thận trọng sau nhịp hồi phục mạnh mẽ trong tháng trước. VN-Index dao động quanh vùng 1.330–1.340 điểm, vừa là vùng đỉnh cũ của tháng 3/2024, vừa là ngưỡng kháng cự kỹ thuật quan trọng khiến lực cung – cầu liên tục giằng co. Mặc dù thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao, cho thấy dòng tiền chưa rút khỏi thị trường, nhưng sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu khiến nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ lưỡng hơn.

 

Đáng chú ý, một số nhóm ngành chủ chốt như ngân hàng, bất động sản, đầu tư công tiếp tục thu hút sự quan tâm, trong khi các cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) và vốn hóa nhỏ vẫn còn nhiều biến động khó lường. Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, bao gồm kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II, xu hướng điều hành lãi suất, dòng vốn ngoại, cũng như các yếu tố địa chính trị đang tạo ra nhiều ẩn số cho thị trường trong tháng 7.

Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tích lũy, điều chỉnh, hay bứt phá trong thời gian tới? Những nhóm ngành nào có khả năng dẫn dắt xu thế dòng tiền? Và đâu là chiến lược phù hợp cho nhà đầu tư trong ngắn hạn? Để có góc nhìn chuyên sâu, phóng viên Bnews/vnanet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS).

Phóng viên: Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 đã có những diễn biến như thế nào về chỉ số VN-Index, thanh khoản và dòng tiền? Ông đánh giá đâu là những lực đẩy chính cũng như rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn vừa qua?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Nối tiếp đà tăng điểm tích cực của tháng 5, VN-Index đã ghi nhận mức tăng 33,4 điểm (+2,48%) kể từ đầu tháng 6. Các cổ phiếu trụ luân phiên tăng điểm đã tạo động lực cho thị trường vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.350 điểm để củng cố xu thế tăng giá ngắn hạn.

Giá trị giao dịch trung bình 1 phiên trong tháng 6 đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 10% so với tháng trước. Trong đó, phần lớn các phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản thấp hơn so với mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy mặc dù lực bán không quá lớn nhưng bên mua cũng duy trì trạng thái thận trọng do thiếu thông tin hỗ trợ và và dòng tiền chỉ tham gia có chọn lọc.

Động lực tăng giá của thị trường chủ yếu đến từ nhóm VN30 khi tăng 3,78%. Trong tháng 6, đà dẫn dắt đã không còn phụ thuộc quá nhiều vào 2 cổ phiếuhọ Vin là VIC và VHM. Thay vào đó, dòng tiền xoay trụ sang các cổ phiếu khác như TCB, CTG, MSN…

Xét theo nhóm ngành, hóa chất và dầu khí là những nhóm thu hút dòng tiền tích cực nhất khi tăng trung bình trên 5%. Trong đó, nhiều cổ phiếu ghi nhận hiệu suất vượt trội so với thị trường như OIL, PLX, PVS, DDV, PHR… tăng trên 10%. Thông tin hỗ trợ cho các nhóm này đến từ giá phân bón và dầu khí tăng mạnh do căng thẳng Trung Đông. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng luân chuyển giữa các nhóm ngân hàng, bất động sản. bán lẻ, chứng khoán…

Phóng viên: Với việc VN-Index nhiều thời điểm dao động quanh vùng 1.320–1.340 điểm – sát đỉnh cũ của tháng 3/2024 – ông nhìn nhận vùng điểm này đóng vai trò ra sao về mặt kỹ thuật và tâm lý thị trường? Điều gì sẽ quyết định khả năng bứt phá hay điều chỉnh tại vùng cản này?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Trong khoảng giữa tháng 6, VN-Index đã dao động đi ngang quanh vùng 1.320 - 1.340 điểm với thanh khoản giảm dần. Sau một vài phiên điều chỉnh nhẹ từ vùng đỉnh 1.350 điểm được hình thành từ đầu tháng 6, áp lực bán dù vẫn hiện hữu nhưng bên mua vẫn đỡ thị trường quanh vùng 1.310 -1.320 điểm cho thấy đây là vùng hỗ trợ khá cứng.

Trong khi vùng 1.340 điểm đóng vai trò là kháng cự mạnh do đây là vùng hội tụ của đỉnh cũ tháng 3 và đường MA20 ngày. Hiện tại, mặc dù thị trường đã bứt phá khỏi vùng dao động này nhưng thanh khoản duy trì ở mức thấp cùng với việc thiếu thông tin hỗ trợ tích cực và những biến động kinh tế vĩ mô toàn có thể tác động đến tâm lý thị trường. Từ đó, để ngỏ khả năng thị trường quay lại kiểm nghiệm vùng dao động này.

Phóng viên: Bước sang tháng 7, ông dự báo xu hướng thị trường sẽ như thế nào khi loạt thông tin như báo cáo kết quả kinh doanh quý II, động thái lãi suất của Fed, và dòng vốn ngoại đang dần được thị trường phản ánh? Nhà đầu tư nên theo dõi sát những chỉ báo nào?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Với viêc chinh phục thành công kháng cự 1.350 điểm, xu thế tăng giá ngắn hạn của thị trường đã được củng cố. Tháng 7 sẽ có nhiều sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến thị trường. Đáng chú ý là việc Mỹ có thể chính thức công bố mức thuế đối ứng, cũng như bức tranh kết quả kinh doanh quý II dần được lộ diện.

Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số DXY duy trì đà giảm nhưng tỷ giá USD/VND vẫn duy trì ở mức cao khiến ngân hàng nhà nước hút tiền trở lại thông qua tín phiếu sau 4 tháng tạm dừng. Do vậy, thị trường có thể biến động mạnh trong tháng 7 và dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa để tìm đến những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực cũng như triển vọng tăng giá trong nửa cuối năm.

Theo dữ liệu, trong 10 năm gần đây, VN-Index đã ghi nhận 7 năm tăng điểm trong tháng 7, do vậy kỳ vọng thị trường sẽ duy trì trạng thái tích cực. Trong tháng 7, VFS đưa ra 2 kịch bản dự báo như sau:

Kịch bản 1 (60%): Lực cầu cải thiện tích cực, VN-Index hướng lên vùng 1.400 điểm. Nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân ở những cổ phiếu xuất hiện tín hiệu tiếp diễn xu thế tăng giá hoặc bứt phá khỏi vùng nền tích lũy với khối lượng lớn.

Kịch bản 2 (40%): Áp lực bán ở vùng giá cao được đẩy mạnh, VN-Index dao động trong biên 1.300 - 1.350 điểm. Nhà đầu tư có thể giao dịch trong biên (mua ở biên dưới và chờ bán ở biên trên) cho hoạt động lướt sóng ngắn hạn.

Phóng viên: Trong ngắn hạn, với bối cảnh thanh khoản chưa quá đột phá nhưng vẫn duy trì ổn định, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược gì? Nhóm cổ phiếu nào đang thể hiện sức hút về dòng tiền và có tiềm năng dẫn dắt trong quý III sắp tới?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Trong ngắn hạn, VFS cho rằng thị trường vẫn duy trì trạng thái phân hóa và chỉ đẩy giá cục bộ ở những cổ phiếu riêng lẻ. Do vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực và thu hút được dòng tiền để tham gia giải ngân, đặc biệt là những cổ phiếu chưa tăng nhiều trong thời gian vừa qua để có được tỷ lệ rủi ro - lợi nhuận hợp lý. Trong đó, một số nhóm cổ phiếu có tiềm năng gồm:

Nhóm ngân hàng: Triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh quý II đến từ việc tín dụng tăng trưởng khả quan, cùng với nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp khả quan trong bối cảnh lãi suất cho vay duy trị ổn định ở mức thấp. Bên cạnh đó, dự thảo luật hóa Nghị quyết 42 sẽ đẩy nhanh thời gian xử lý nợ xấu, giúp xử lý nợ hiệu quả hơn, đặc biệt có lợi cho các ngân hàng có chi phí dự phòng cao.

Nhóm xây dựng: Doanh thu trung bình có thể tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ nhờ động lực từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cũng như một số dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục