Các ngân hàng Ai Cập có thể chịu sự mất giá của đồng nội tệ

08:30' - 18/01/2023
BNEWS Tỷ lệ vốn pháp l‎ý của các ngân hàng Ai Cập có thể giúp chống chịu được sự mất giá hơn nữa của đồng nội tệ (bảng Ai Cập), do được hỗ trợ bởi nguồn vốn nội bộ lành mạnh.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 17/1 cho biết tỷ lệ vốn pháp l‎ý hay còn gọi là vốn tối thiểu của các ngân hàng Ai Cập có thể giúp chống chịu được sự mất giá hơn nữa của đồng nội tệ (bảng Ai Cập), do được hỗ trợ bởi nguồn vốn nội bộ lành mạnh.

 Fitch Ratings nói thêm rằng các ngân hàng khu vực tư nhân lớn có ưu thế hơn trong việc đối phó với sự trượt giá của đồng bảng Ai Cập so với hai ngân hàng thuộc khu vực công lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Ai Cập (NBE) và Banque Misr (BM), do bộ đệm vốn pháp l‎ý cao hơn.

 

Trong một tuyên bố, Fitch Ratings đánh giá đồng bảng Ai Cập đã suy yếu 16% so với đồng USD trong tháng 1/2023 và mất khoảng 40% giá trị kể từ cuối tháng 6 năm 2022.

Theo Fitch Ratings, đồng nội tệ Ai Cập có thể vẫn chịu áp lực trong năm 2023 do hàng hóa nhập khẩu ước tính có trị giá khoảng 5,4 tỷ USD (16% dự trữ ngoại hối) còn mắc kẹt tại các cảng vì thiếu ngoại tệ và tổng nhu cầu vốn bên ngoài lớn, ước tính hơn 19 tỷ USD trong năm 2023 (khoảng 60% dự trữ ngoại hối).

Ngày 16/1, Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) tuyên bố rằng các ngân hàng nước này đã giải ngân hơn 2 tỷ USD cho các yêu cầu từ các nhà nhập khẩu Ai Cập trong ba ngày qua, bên cạnh việc chi trả các yêu cầu khác cho các khách hàng của CBE.

CBE giải thích thêm rằng việc này cho thấy khả năng của các ngân hàng Ai Cập trong việc đáp ứng các nhu cầu tiền tệ của các nhà nhập khẩu một cách nhanh nhất có thể.

Ngoài ra, các ngân hàng đang thúc đẩy các hoạt động phái sinh tài chính trên thị trường hối đoái, với mục đích cung cấp dịch vụ tích hợp cho phép khách hàng phòng ngừa rủi ro do biến động tỷ giá.

CBE cũng đề cập đến sự gia tăng mạnh mẽ của thu nhập ngoại hối của các ngân hàng từ thị trường nội địa hoặc tiền kiều hối của người Ai Cập ở nước ngoài, cũng như doanh thu từ lĩnh vực du lịch.

Ngoài ra, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu gia tăng vào thị trường Ai Cập kể từ tháng 1/2023, với số tiền hơn 925 triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục