Các ngân hàng Nhật Bản đạt lợi nhuận cao nhờ đồng yen yếu

07:30' - 22/11/2023
BNEWS Nhiều ngân hàng lớn Nhật Bản vừa tiết lộ kế hoạch tăng lợi tức cho cổ đông, sau khi công bố đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ thông báo chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 2,6 tỷ USD, sau khi cho biết, lợi nhuận quý II/2023 theo năm tài chính (kết thúc vào ngày 31/3) đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

 

Tập đoàn Sumitomo Mitsui nâng dự báo thu nhập ròng cả năm từ mức 820 tỷ yen lên 920 tỷ yen và cho biết đang chuẩn bị kế hoạch chi 150 tỷ yen (989 triệu USD) để mua lại cổ phiếu.

Một ngày trước đó, tập đoàn Mizuho tuyên bố điều chỉnh tăng dự báo cổ tức hàng năm và mục tiêu thu nhập, nhưng không thông báo mua lại cổ phiếu.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong hai năm 2022 và 2023, đồng yen của Nhật Bản đã bị mất tổng cộng 25% giá trị so với đồng USD. Hoạt động kinh doanh tích cực của các ngân hàng lớn tại Nhật Bản có được là nhờ sự tận dụng một cách hiệu quả tình huống đồng yen mất giá. Trong thời gian này, các ngân hàng đã liên tục mở rộng hoạt động ra nước ngoài, cho phép họ tạo ra thu nhập tăng thêm khi chuyển đổi doanh thu từ nước ngoài về quê hương và quy đổi chúng từ ngoại tệ sang đồng yen.

Đánh giá về triển vọng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng lợi nhuận trong nước của các ngân hàng cũng sẽ tăng lên, khi ngày càng nhiều có ý kiến cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài 7 năm qua, làm giảm lợi nhuận cho vay.

Cuối tháng 10/2023, BoJ đã quyết xóa bỏ mức trần lợi suất 1% đối với lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Ông Masamichi Adachi, nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản tại công ty chứng khoán UBS, nhận định: "Đây có thể là một bước tiến hướng tới việc chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Quyết định này mở ra cơ hội tăng lãi suất tại Nhật Bản vào năm 2023 dưới nhiệm kỳ của thống đốc mới".

Tuy nhiên, việc BoJ có quyết định đảo ngược chính sách tiền tệ hay không hiện vẫn chưa rõ ràng. Một số bình luận gần đây của Thống đống BoJ Kazuo Ueda cho thấy cơ quan này không vội vàng loại bỏ chiến lược điều hành chính sách tiền tệ truyền thống của mình, mặc dù các nhà kinh tế dự đoán điều đó sẽ xảy ra vào năm tới trong bối cảnh lạm phát dai dẳng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục