Các ngân hàng Trung Quốc đối mặt với nguy cơ lợi nhuận giảm sâu

18:33' - 25/08/2023
BNEWS Quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm, áp dụng cho các khoản vay thế chấp, của PBoC cho thấy thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải.

Quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm, áp dụng cho các khoản vay thế chấp, của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) mới đây cho thấy thách thức mà nước này đang gặp phải. Đó là làm thế nào để kích thích nền kinh tế mà vẫn bảo vệ được lợi nhuận của các ngân hàng.

Đầu tuần này, PBoC đã khiến các thị trường bất ngờ với quyết định duy trì lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm, áp dụng cho các khoản vay thế chấp, ở mức 4,2%, và chỉ hạ lãi suất kỳ hạn một năm, lãi suất chuẩn cho các khoản vay của doanh nghiệp, từ 3,55% xuống 3,45%. Trước đó, thị trường dự đoán PBoC sẽ hạ lãi suất LPR 5 năm và cắt giảm sâu hơn đối với lãi suất LPR một năm.

 

Nhiều nhà quan sát, như ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of America và Union Bancaire Privee, xem quyết định giữ nguyên lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm là một nỗ lực bảo vệ biên lãi ròng (NIM) cho các ngân hàng thương mại, tức khoản chênh lệch giữa tiền lãi ngân hàng thu về từ các khoản cho vay là tiền lãi ngân hàng phải trả cho các khoản tiền gửi.

Ngược lại, người tiêu dùng và các công ty phát triển bất động sản lại ít có khả năng được hưởng lợi hơn từ động thái trên. Những người chủ bất động sản đang vay thế chấp với mức lãi LPR kỳ hạn 5 năm không được giảm lượng tiền lãi phải trả, trong khi những người mua nhà tiềm năng cũng hầu như không có động lực để vay mới.

Trong báo cáo hàng quý hồi tuần trước, PBoC đã cảnh báo rằng NIM thấp hơn sẽ có nguy cơ khiến các ngân hàng có ít tài chính dự phòng hơn cho những rủi ro từ nợ xấu và sự suy giảm trong nguồn vốn vay cho doanh nghiệp. Theo báo cáo của PBoC, NIM của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã giảm 0,23 điểm phần trăm xuống 1,74% trong quý I.

Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng nguy cơ thực sự là NIM của ngành ngân hàng ở mức quá thấp trong vài năm. Theo ngân hàng này, lợi suất từ tài sản giảm sẽ làm giảm khả năng hấp thụ rủi ro và duy trì nguồn cung tín dụng của hệ thống tài chính,trong khi lãi suất thấp hơn cũng không có nhiều tác dụng trong việc kích thích nhu cầu tín dụng.

Ngân hàng Bank of Tianjin dự đoán lợi nhuận ròng của ngân hàng này có thể giảm đến 75% từ mức 3 tỷ NDT (410 triệu USD) ghi nhận trong nửa đầu năm 2022. Ông Carlos Casanova, chuyên gia cấp cao khu vực châu Á của ngân hàng UBP, cho rằng các ngân hàng đang lo ngại về việc hạ lãi suất LPR, vì điều này sẽ “bào mòn” hơn nữa  biên lãi ròng của ngân hàng, khi lãi suất tiền gửi không giảm xuống. Theo ông, điều này sẽ khiến các ngân hàng không muốn chuyển lãi suất thấp hơn này sang cho những người đi vay, từ đó làm cho việc hạ lãi suất LPR của PBoC trở nên kém hiệu quả.

Thị trường nhà ở suy yếu và thị trường chứng khoán ảm đạm đã thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc tăng cường tiết kiệm. Tổng lượng tiền gửi ở ngân hàng đã chạm mức 278.600 tỷ NDT tính đến cuối tháng Sáu, tăng 20.100 tỷ NDT so với hồi đầu năm, theo báo cáo của PBoC.

Các chuyên gia phân tích Xiaoxi Zhang và Wei He của công ty nghiên cứu Gavekal nhận định, các nhà hoạch định chính sách sẽ không vì biên lợi nhuận của ngân hàng mà không thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Theo các chuyên gia này, biện lợi nhuận của ngân hàng thực sự làm cho nhiệm vụ kích thích kinh tế của giới chức Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, và đây cũng là một phần lý do khiến PBoC đưa ra quyết định lãi suất bất ngờ như vậy. Nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế trong năm nay. Thách thức nằm ở chỗ không nên đi quá xa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục