Các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều niềm tin về đầu tư tại Việt Nam

11:39' - 07/03/2019
BNEWS Trên thực tế, niềm tin vào kết quả đầu tư ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được củng cố và gia tăng. Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn tiếp cận, tìm hiểu khả năng đầu tư...
Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) của chủ đầu tư Viglacera thu hút vốn FDI lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Viglacera

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20/02/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư tăng mạnh ở cả 3 hợp phần cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.
Trong đó, cả nước có 514 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy cho thấy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm tăng khá cao.
Đây là kết quả tất yếu của quá trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong mấy năm qua, với tổng vốn đăng ký mới qua các năm đều trong xu hướng ổn định, có tăng trưởng... Trên thực tế, niềm tin vào kết quả đầu tư ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được củng cố và gia tăng. Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn tiếp cận, tìm hiểu khả năng đầu tư để tiến tới thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro), nhiều doanh nghiệp nước này vẫn theo đuổi mục tiêu đầu tư vào Việt Nam và hiện 70% số doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới...
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, 2 tháng qua, các dự án đầu tư nước ngoài đã thực hiện giải ngân 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu nước ngoài tại Việt Nam, vốn đăng ký mới tăng là đáng mừng, nhưng kết qua giải ngân còn quan trọng hơn. Bởi, đó là biểu hiện của khát vọng hiện diện, kinh doanh lâu dài của nhà đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, đó là số vốn đã được hiện thực hóa, sẽ chuyển biến thành năng lực sản xuất mới và chắc chắn bổ sung cho sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để tăng cường thu hút nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 sẽ tập trung chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa và nhất là phát huy thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra để tăng trưởng kết hợp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho hay, các doanh nghiệp FDI cần có chiến lược hợp tác, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, chủ động giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đối thoại với nhà đầu tư. Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã công bố năm nay có thể sẽ trao giấy Chứng nhận đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn dự kiến gần 500 triệu USD. Đáng lưu ý là có những dự án lớn như: dự án sản xuất linh kiện máy bay của Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte (Mỹ) trị giá 170 triệu USD tại khu Công nghệ cao Đà Nẵng, để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Bắc Mỹ, EU; dự án Tòa tháp ven song (phường Bình Thuận, quận Hải Châu) có tổng vốn đầu tư hơn 56 triệu USD...
Ngoài ra, có thể kể đến một số dự án lớn trong 2 tháng đầu năm 2019 như: dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hong kong - Trung Quốc) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hong kong - Trung Quốc) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh...
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, tình hình xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 25,95 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 25,31 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục