Các nhà lập pháp EU ủng hộ giảm phát thải khí methane

08:57' - 29/09/2021
BNEWS Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các chính phủ và công ty giảm phát thải khí methane.

Động thái này cho thấy các nhà lập pháp châu Âu nhiều khả năng sẽ "bật đèn xanh" cho dự luật sắp tới về cắt giảm khí nhà kính.

Khí methane chiếm tới 30% nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, cao thứ hai chỉ sau khí CO2. Cả methane và CO2 đều góp phần làm tăng nhiệt độ của không khí, song lượng phát thải vào không khí của hai loại khí này không giống nhau.

Một phân tử CO2 có thể khiến nhiệt độ tăng ở mức thấp hơn so với 1 phân tử khí methane. Tuy nhiên, CO2 lại tồn tại hàng trăm năm trong bầu khí quyển, còn methane có thể biến mất trong vòng 2 thập kỷ.

Điều này đồng nghĩa các biện pháp giảm phát thải khí methane có thể có tác dụng ngăn chặn biến đổi khí hậu nhanh hơn so với giảm phát thải CO2. Khí methane đến từ các nguồn như các đường ống dẫn dầu và khí đốt bị rò rỉ, ngành chăn nuôi gia súc, bãi chôn lấp rác thải...

Với 61 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Ủy ban Môi trường của EP đã thông qua một báo cáo trong đó ủng hộ kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), dự kiến công bố vào tháng 12 tới, yêu cầu các công ty dầu mỏ và khí đốt báo cáo tình hình phát thải khí methane và sửa chữa các đường ống bị rò rỉ.

Các nước EU đang phải đối mặt với sức ép phải đưa ra các mục tiêu cắt giảm khí thải methane, chiếm khoảng 10% tổng lượng khí thải nhà kính của EU.

Tác giả báo cáo trên, nghị sĩ EP Maria Spyraki người Hy Lạp cho rằng, với việc đề ra các mục tiêu mang tính ràng buộc nhằm giảm phát thải khí methane, EU có thể đóng một vai trò quan trọng, mở đường cho các nước trên thế giới đưa ra quyết định tương tự.

Dự kiến, EP sẽ tiến hành bỏ phiếu về báo cáo trên vào tháng tới. Để được ban hành thành luật, dự luật này sẽ cần được chính phủ và quốc hội của các nước thành viên EU xem xét thông qua. Tiến trình này có thể kéo dài hai năm.

Trước đó, trong tháng này, EU và Mỹ đã cùng cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane đến năm 2030, so với các mức của năm 2020, nhằm tạo động lực để cộng đồng quốc tế đưa ra hành động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục