Các nhà sản xuất và bán lẻ châu Âu lâm vào khó khăn do khủng hoảng ở Biển Đỏ

08:30' - 22/01/2024
BNEWS Theo các chuyên gia logistics, các cuộc tấn công vào vận tải đường biển ở Biển Đỏ có nguy cơ tạo ra thời kỳ "hỗn loạn" cho các nhà sản xuất và bán lẻ châu Âu do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Gần như tất cả các tàu container đã được chuyển hướng từ Kênh đào Suez sang các tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng kể từ khi lực lượng Houthi tăng cường tấn công vào các tàu đi qua Vịnh Aden và phía Nam Biển Đỏ từ tháng 12 năm ngoái.

Sự thay đổi này chủ yếu ảnh hưởng đến các chuyến tàu giữa châu Á và châu Âu, khiến một chuyến đi thông thường 35 ngày kéo dài thêm 2 tuần trong khi khoảng thời gian giữa các chuyến tàu đến các cảng châu Âu trở nên lâu hơn.

 
Theo công ty tư vấn dịch vụ hàng hải Drewry Shipping Consultants có trụ sở tại London (Anh), khách hàng của các công ty vận tải biển phải chịu tổn thất trong giai đoạn hỗn loạn này.

Các hãng container chuyên vận chuyển hàng hóa và linh kiện hầu hết cung cấp mỗi tuần một chuyến dịch vụ trên các tuyến đường phổ biến nhất.

Việc các linh kiện đến chậm khiến dây chuyền sản xuất của một số nhà sản xuất ô tô đình trệ. Nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, hàng dự trữ của các nhà bán lẻ có thể sẽ cạn kiệt trong khi các công ty vận chuyển hàng hóa phải chịu các khoản phụ phí khi các hãng tàu cố gắng bù đắp chi phí do việc chuyển hướng tuyến đường vận chuyển.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất ô tô Stellantis-chủ sở hữu thương hiệu xe Jeep và Peugeot, cho biết các nhà sản xuất ô tô sẽ đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn nữa do sự chậm trễ trong vận chuyển.

Hãng vận tải Hapag-Lloyd có trụ sở tại Hamburg, Đức, cũng cho biết có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng châu Âu do các tàu đến không đúng thời gian dự kiến.

Theo các nhà phân tích, sự gián đoạn do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã làm tăng giá cước vận tải, ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc. Với châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu, tuyến đường này rất quan trọng đối với Trung Quốc, quốc gia trong tuần này đã kêu gọi tất cả các bên liên quan đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đỏ.

CMA CGM, tập đoàn vận tải container lớn thứ ba thế giới có trụ sở ở Marseille, Pháp, cho biết đã chuyển tuyến các tàu đi vòng qua châu Phi, mặc dù một số vẫn đi qua kênh đào Suez khi được các tàu chiến Pháp hộ tống. Chủ tịch CMA CGM, Rodolphe Saadé, cho biết của công ty bị ảnh hưởng lớn khi lịch trình các tàu bị xáo trộn và không thể đảm bảo đúng thời gian theo dự kiến do thay đổi lộ trình, chậm trễ khi qua Biển Đỏ và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.

Một số nhà sản xuất ô tô phụ thuộc vào các tàu chở linh kiện hiện đi tuyến đường vòng đã bị ảnh hưởng, trong đó Tesla ở Đức, Volvo Cars ở Bỉ và Suzuki ở Hungary đã tạm dừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất xe.

Ngành công nghiệp ô tô đặc biệt dễ chịu tổn thương do áp dụng quy trình sản xuất Just-in-Time (JIT - quy trình sản xuất cung cấp nguyên liệu, linh kiện và sản phẩm cuối đúng thời gian, đúng số lượng và đúng chất lượng, không hàng tồn kho).

Hãng Volkswagen (Đức), cho biết đã nhận linh kiện từ châu Á thông qua tuyến đường dài hơn bắt đầu từ tháng trước. Sự thay đổi này làm tăng chi phí nhưng tránh được những vấn đề đã xảy ra với các nhà sản xuất khác.

Volkswagen cho biết hầu hết các công ty vận tải biển lớn đã bắt đầu chuyển hướng tuyến đường cho các tàu từ tháng 12 năm ngoái, giúp đảm bảo hàng hóa sẽ đến đích, mặc dù chậm.

Công ty thực phẩm Danone (Pháp) cho biết sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm thiểu, gồm việc sử dụng các giải pháp thay thế như vận tải hàng không, nếu tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ kéo dài hơn hai hoặc ba tháng.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Pepco (Anh), sở hữu chuỗi siêu thị giá rẻ  Poundland và điều hành gần 3.500 cửa hàng quần áo giảm giá trên khắp châu Âu, ngày 18/1 cảnh báo tình hình hiện nay dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và giao hàng chậm hơn.

Tập đoàn này cho biết các hãng tàu đang tính phụ phí đối với việc giao hàng do chi phí phát sinh, đồng thời cảnh báo vấn đề tồn tại trong thời gian dài ở khu vực có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong những tháng tới.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ những mặt hàng thông thường như quần áo ít gặp khó khăn hơn so với các công ty phụ thuộc vào việc giao hàng đúng hạn. Ông Simon Wolfson, Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ quần áo Next (Anh), cho biết sự thay đổi lộ trình của các tàu chở hàng là sự bất tiện chứ không phải khủng hoảng bởi công ty luôn có hàng dự trữ trong kho và tại các cửa hàng.

Ông Simon Geale, Phó chủ tịch điều hành công ty tư vấn Proxima (Anh), cho biết mặc dù một số nhà bán lẻ có thể sử dụng vận tải hàng không để khắc phục sự chậm trễ, chỉ có những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận lớn mới đủ bù đắp chi phí tăng thêm. Thay vào đó, theo ông, các nhà bán lẻ cần bắt đầu đặt hàng từ châu Á sớm hơn.

Bà Nichola Mallon, Giám đốc hiệp hội Logistics UK, cho biết các thành viên hiệp hội giờ đây dự kiến các đơn đặt hàng kéo dài thêm 2 tuần, cho biết thêm các công ty đang phải chịu các khoản phụ phí của các hãng tàu do chi phí chuyển tuyến. Tuy nhiên, bà hy vọng mô hình dịch vụ của các hãng tàu sẽ ổn định khi việc các tàu đi tuyến đường qua Mũi Hảo Vọng trở thành mô hình phổ biến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục