Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ bị truy thu thuế bổ sung

08:00' - 27/03/2024
BNEWS Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ phải đối mặt với khó khăn mới sau yêu cầu từ cơ quan hải quan về việc nộp thuế bổ sung.

Bốn nhà xuất khẩu được dẫn lời cho biết họ đã nhận được thông báo yêu cầu thanh toán chênh lệch thuế đối với số gạo được xuất khẩu trong 18 tháng qua. Yêu cầu thuế bất ngờ này đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với các chuyến hàng gạo từ Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

 

Chính phủ Ấn Độ đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo trắng vào tháng 9/2022, sau đó là mức thuế tương tự đối với gạo đồ vào tháng 8/2023, như một biện pháp nhằm kiểm soát giá gạo trong nước.

Trước đây, các nhà xuất khẩu phải nộp mức thuế 20% dựa trên giá gạo tại cửa khẩu bên Ấn Độ (FOB), đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan hải quan nước này yêu cầu phải xem xét trị giá giao dịch, dẫn đến việc phải nộp thuế bổ sung.

Một thông báo của Cơ quan Hải quan Ấn Độ nêu rõ: “Các nhà xuất khẩu được thông báo phải nộp thuế xuất khẩu cùng với tiền lãi áp dụng đối với số tiền nhận được vượt quá giá trị FOB khai báo trong hóa đơn vận chuyển”.

Các nhà xuất khẩu bày tỏ lo ngại về khả năng thanh toán chênh lệch thuế trong gần hai năm. Một nhà xuất khẩu từ bang Andhra Pradesh cho rằng việc yêu cầu thuế bổ sung từ người mua nước ngoài sẽ vô cùng khó khăn, đồng thời khiến hoạt động kinh doanh không bền vững.

Không có bình luận chính thức nào từ Bộ Tài chính và Ủy ban Thuế gián thu và Hải quan trung ương Ấn Độ.

Một đại lý có trụ sở tại New Delhi dẫn cách thức tính toán mới của chính phủ cho hay, các nhà xuất khẩu sẽ phải trả thuế bổ sung khoảng 15 USD/tấn đối với lượng gạo đã được xuất khẩu trong hai năm qua.

Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Ấn Độ có kế hoạch kiến nghị với chính phủ để giải quyết tình trạng không thực tế của yêu cầu thuế nói trên. Chủ tịch Hiệp hội, ông Krishna Rao, nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng mức thuế đồng đều đối với hàng xuất khẩu trong tương lai để tránh tình trạng rối loạn tương tự.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đang xem xét hành động pháp lý thay vì phải tuân thủ gánh nặng thuế bất ngờ, với lý do lợi nhuận vốn trong ngành xuất khẩu gạo ít.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục