Các nông hộ chưa “mặn mà” với nguồn vốn vay ưu đãi tái canh cà phê

09:18' - 03/07/2018
BNEWS Theo các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê thì lãi suất cho vay từ chương trình này vẫn còn cao dù có thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1,5 - 2%/năm nhưng thực tế mức lãi suất còn khá cao.
Theo kế hoạch, từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện trồng tái canh 34.748 ha cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém. Ảnh minh họa: Hồng Điệp - TTXVN

Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk hiện nay vẫn chưa “mặn mà” với nguồn vốn vay ưu đãi theo Chương trình trồng tái canh cà phê của Chính phủ nên càng làm việc trồng tái canh cà phê trên địa bàn khó đạt kế hoạch tiến độ diện tích đề ra.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 221 khách hàng (196 khách hàng cá nhân, 25 khách hàng doanh nghiệp) vay từ nguồn vốn ưu đãi này 117,6 tỷ đồng để tái canh 1.827 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém.

Ông Tăng Hải Châu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk đánh giá, việc giải ngân cho vay chương trình này đạt quá thấp so với nhu cầu, mục tiêu đề ra (3.000 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Nguyên nhân làm cho các nông hộ chưa “mặn mà” là do lâu nay việc thay thế cây cà phê già cỗi, năng suất thấp chỉ thực hiện một cách tự phát ở các nông hộ theo hình thức phá bỏ, trồng dặm, trồng mới ở diện tích nhỏ lẻ; trong khi đó, tái canh cà phê ở diện rộng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn (từ 150 triệu đồng/ha trở lên), rủi ro cao do giá cả cà phê nhân bấp bênh…

Trong khi đó, các nông hộ sản xuất kinh doanh có diện tích cà phê cần tái canh tiếp cận nguồn vốn vay theo chương trình tái canh cà phê của Chính phủ thì còn nhiều bất cập. Theo các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê thì lãi suất cho vay từ chương trình này vẫn còn cao dù có thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1,5 đến 2%/năm nhưng thực tế đây là mức lãi suất còn khá cao trong lĩnh vực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Quy trình cho vay cũng còn nhiều nhiêu khê, cấp vốn theo nhiều đợt, với nhiều thủ tục khá rườm rà… Ông Lê Nghĩa ở thôn 2, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) có 1 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém cần phá bỏ trồng tái canh lại nhưng vẫn không “mặn mà” với nguồn vốn vay ưu đãi này.

Ông Lê Nghĩa cho hay, “ưu đãi thì quá ít, nhưng rắc rối với nhiều loại giấy tờ thì nhiều” như đảm bảo tài sản thế chấp, cho vay nhiều đợt theo tiến độ, xin giấy xác nhận đủ điều kiện trồng tái canh, diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẻ các quy trình tái canh mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành…

Còn đối với anh Y Suyên Niê, ở xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) cho biết, anh biết có nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ về trồng tái canh cà phê nhưng thực tế với nhiều thủ tục rườm rà nên cũng không quan tâm đến. Gia đình anh chắt chiu được đồng nào cộng vay mượn thêm họ hàng để thực hiện trồng tái canh lại 5 sào cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh để có “cái ăn” mà thôi…

Thực tế, từ nguồn vốn tự có, hoặc vay mượn người thân, họ hàng, từ năm 2011 đến nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh được 20.541 ha cà phê; trong đó, từ năm 3013 đến năm 2017, các nông hộ trồng tái canh được 15.345 ha. Theo kế hoạch, mùa mưa năm nay, các nông hộ sẽ tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có, hoặc vay mượn người thân để tiếp tục trồng tái canh 4.260 ha cà phê…

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 203.737 ha cà phê; trong đó, theo kế hoạch, từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện trồng tái canh 34.748 ha cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém. Đây cũng là địa phương có diện tích cà phê tái canh lớn sau tỉnh Lâm Đồng./.

>>> Làm gì để khai thác nguồn vốn ưu đãi cho xóa đói giảm nghèo?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục