Các nước khu vực sông Mekong chia sẻ kinh nghiệm quản trị đất đai

15:19' - 21/06/2016
BNEWS Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong được xây dựng nhằm hỗ trợ các quốc gia trong khu vực sông Mekong đưa ra các giải pháp cho những khó khăn, thách thức mà các quốc gia này đang gặp phải.
Diễn đàn Đất đai khu vực sông Mekong 2016. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong do Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ (SDC) và Bộ Hợp tác Kinh Tế và Phát Triển Liên Bang Đức (BMZ) tài trợ phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) lần đầu tiên đã tổ chức diễn đàn “Đất đai khu vực sông Mekong 2016” tại Hà Nội, ngày 21/6.

Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong được xây dựng nhằm hỗ trợ các quốc gia trong khu vực sông Mekong đưa ra các giải pháp cho những khó khăn, thách thức mà các quốc gia này đang gặp phải trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, các quy định pháp luật về quản trị đất đai.

Diễn đàn tạo ra không gian mở cho đối thoại giữa các đại biểu đến từ chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Qua đó, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hỗ trợ hợp tác trong khu vực về quản trị đất đai, góp phần thúc đẩy quyền tham gia và tiếp cận các nguồn lực công bằng cho các hộ nông dân nhỏ, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số… trong quá trình chuyển dịch đất đai đang diễn trong xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa trên bình diện khu vực.

Ông Jochem Lange, Giám đốc quốc gia GIZ cho rằng, đảm bảo đầu tư có trách nhiệm và bền vững trong đất đai đã trở thành một yếu tố sống còn đối với sự phát triển xã hội và kinh tế. Vì thương mại và đầu tư sẽ tăng lên nhờ quá trình hội nhập mạnh mẽ của các quốc gia ASEAN.

Theo ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở Việt Nam, tài nguyên đất đai vẫn chưa được quản lý, khai thác hợp lý, sử dụng còn lãng phí và kém hiệu quả, ở nhiều nơi đất đai bị suy thoái, ô nhiễm, đến mức báo động; hạn hán, xâm nhập mặn đang là nguy cơ hiện hữu đe dọa nhiều vùng lãnh thổ…

Do vậy, việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên đất trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của cả nước.

Chia sẻ về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh bày tỏ, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương đó, cần dựa trên việc tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, đặc biệt trong vấn đề đất đai - tư liệu sản xuất cơ bản cho nông, lâm nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh hy vọng, diễn đàn sẽ đưa ra các giải pháp cho chính sách đất đai, qua đó tạo điều kiện tốt hơn, thu hút mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam cũng như tại các nước trên toàn khu vực.

Trong 3 ngày, từ 21 – 23/6, gần 20 phiên hội thảo chuyên sâu sẽ thảo luận về các chủ đề xoay quanh quản trị đất đai và thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn sẽ là dịp để các nhà nghiên cứu chính sách của Việt Nam và quốc tế từ các góc độ và kinh nghiệm khác nhau đưa ra các giải pháp hữu hiệu về quản trị đất đai, đảm bảo sự công khai, minh bạch, công bằng cho người nông dân cũng như doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn./.

>>> Chia sẻ lợi ích lưu vực sông Mê Kông-Bài 2: Đê nuôi dưỡng Đồng bằng sông Cửu Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục