Các nước tham gia IPEF nhất trí khởi động đàm phán chính thức

11:36' - 10/09/2022
BNEWS Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), nhất trí khởi động đàm phán chính thức nhằm xây dựng một trật tự kinh tế.

Sau hội nghị kéo dài hai ngày 8-9/9 tại Los Angeles, Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), nhất trí khởi động đàm phán chính thức nhằm xây dựng một trật tự kinh tế dựa trên các quy định tại khu vực đang tăng trưởng nhanh. 

 

Mỹ và một nhóm các nước đồng minh châu Á đã nhất trí về một loạt các mục tiêu đàm phán, đặc biệt là về thương mại và các chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết 14 quốc gia đã nhất trí tham gia vào các cuộc đàm phán để xây dựng các quy định nhằm tạo ra cơ hội về kinh tế, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao tính bền vững trong khu vực.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết bộ trưởng các nước tham gia đàm phán đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc đảm bảo tính bền vững của các chuỗi cung ứng sau những xáo trộn liên quan đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Mỹ tin trưởng IPEF sẽ tạo việc làm tại Mỹ cũng như tại các quốc gia khác tham gia đàm phán hiệp định này.

Các nước tham gia đàm phán có thể hoàn tất bốn tuyên bố cấp bộ trưởng, đặt ra phạm vi đầy đủ của hiệp định và tạo cơ sở cho lộ trình đàm phán trong tương lai.

Bà Raimondo hoan nghênh sự đồng thuận và cam kết của tất cả các quốc gia tham gia đàm phán hiệp định, dù thừa nhận Ấn Độ đã không ký vào các thỏa thuận và thương mại về kinh tế số. Bà cho rằng đây là kết quả ấn tượng và phản ánh thực tế là sự đồng thuận và quyết tâm của 14 nước đối tác trong IPEF trong việc đưa ra thỏa thuận kinh tế tiêu chuẩn cao và tham vọng.

Các cuộc đàm phán về IPEF tập trung vào 4 trụ cột chính là thương mại công bằng, sự bền vững của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch với việc phi carbon hóa cũng như chế độ thuế hợp lý và chống tham nhũng tại 14 quốc gia đóng góp 40% nền kinh tế và 28% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục