Các siêu thị châu Á tại Mỹ lao đao trước "bão" thuế quan

17:47' - 10/04/2025
BNEWS Tuy chính sách thuế quan đã được tạm hoãn áp dụng với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày, nhưng tương lai của các siêu thị châu Á và cửa hàng tạp hóa chuyên biệt tại Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn.

Khách hàng trung thành của các siêu thị châu Á và các cửa hàng tạp hóa chuyên bán thực phẩm nhập khẩu tại Mỹ đã rất thất vọng khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế cao hơn đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia.

Mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại và mức thuế quan cao hơn (thuế đối ứng), dao động từ 10-49%, đối với hàng chục đối tác có thặng dư thương mại với Mỹ đã có hiệu từ vào ngày 9/4. Nhưng chưa đầy 14 giờ sau, Tổng thống Trump đã tạm dừng áp thuế đối ứng, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày.

Một số quốc gia ở châu Á nằm trong số những nước bị áp thuế đối ứng cao nhất, bao gồm Hàn Quốc (25%), Việt Nam (46%) và Campuchia (49%). Sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp thuế quan trả đũa, ông Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 104% và sau đó là 125%.

Tại một cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị châu Á 99 Ranch Market, vị khách hàng quen thuộc Artis Chitchamnueng cho biết anh sẽ không thể tìm thấy những thực phẩm mình thích ở bất kỳ nơi nào khác nếu giá cả tăng vọt.

 

Dù các siêu thị lớn cũng có bán một số mặt hàng tương tự, nhiều sản phẩm nhập khẩu vẫn có giá rẻ hơn tại các siêu thị chuyên dụng. Ví dụ, một chai tương hàu Lee Kum Kee Panda 18 ounce có giá 3,99 USD tại 99 Ranch Market, trong khi trên trang web của Safeway và Walmart, cùng loại tương này được niêm yết với giá lần lượt là 4,79 USD và 10,45 USD.

Các cửa hàng bán các loại mì, rau khô, thảo mộc và sản phẩm chăm sóc da từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam có thể là nguồn an ủi cho những người nhập cư và sinh viên nước ngoài khao khát hương vị quê nhà.

Việc mua sắm các loại thực phẩm, đồ uống và gia vị đặc trưng văn hóa tại Mỹ đã có những bước tiến dài so với trước đây, khi mà các lựa chọn còn rất hạn chế và chỉ gói gọn trong các quầy "thực phẩm dân tộc" tại các siêu thị Mỹ.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld, các siêu thị quốc tế và cửa hàng tạp hóa nhỏ trên khắp nước Mỹ đã tạo ra doanh thu 55,8 tỷ USD trong năm ngoái. Lĩnh vực này ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 3% kể từ năm 2019. IBISWorld dự báo doanh thu của các cửa hàng tạp hóa bán sản phẩm quốc tế sẽ vượt 64 tỷ USD vào năm 2029.

Các nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng nhu cầu này đến từ việc gia tăng dân số nhập cư gốc Á, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trẻ tuổi, những người thích khám phá hương vị mới. Các cửa hàng và thương hiệu đại trà cũng đang ngày càng tăng cường nhập khẩu hoặc tạo ra các phiên bản “Mỹ hóa” của sản phẩm châu Á để bắt kịp xu hướng này.

Giáo sư kinh tế Nancy Qian tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern cũng lưu ý rằng ngay cả gạo chuyên dụng để làm sushi được bán tại các siêu thị lớn thường cũng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Bà cho rằng chính sách thuế quan có thể khiến người tiêu dùng phải tìm kiếm sản phẩm thay thế cho các thương hiệu yêu thích của họ.

Các cửa hàng độc lập, vốn đóng vai trò quan trọng đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á nhỏ, cũng đang chuẩn bị cho những tác động tiêu cực. Chủ sở hữu của Not Just Spices, một tiệm tạp hóa nhỏ chuyên bán đồ Nam Á tại Providence, Rhode Island, bày tỏ lo ngại về việc giá cả leo thang đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo basmati từ Ấn Độ và Pakistan, hoặc gạo Kalijira hạt nhỏ từ quê hương Bangladesh của ông.

Các mức thuế nhập khẩu được áp dụng trước khi ông Trump tuyên bố hoãn 90 ngày bao gồm mức thuế 37% đối với hàng hóa từ Bangladesh, 26% đối với sản phẩm của Ấn Độ, 29% đối với hàng hóa từ Pakistan và mức thuế "khủng" 44% đối với hàng nhập khẩu từ Sri Lanka, quốc gia nổi tiếng với quế và các loại gia vị khác.

Ông Mohammed Islam, người đã điều hành Not Just Spices từ năm 1998, tin rằng khách hàng sẽ không trách ông nếu thuế quan ảnh hưởng đến nguồn cung và buộc ông phải tăng giá.

Tuy chính sách thuế quan đã được tạm hoãn áp dụng với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày, nhưng tương lai của các siêu thị châu Á và cửa hàng tạp hóa chuyên biệt tại Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn. Liệu 90 ngày tới có đủ để đạt được các thỏa thuận thương mại mới hay không, và liệu người tiêu dùng Mỹ có phải đối mặt với việc tăng giá thực phẩm nhập khẩu trong dài hạn hay không, vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục