Các thị trường chứng khoán châu Á đa số giảm điểm

18:15' - 28/06/2018
BNEWS Phiên chiều 28/6, các thị trường chứng khoán châu Á đều bị tác động bởi những tín hiệu không rõ ràng phát đi từ Nhà Trắng tiếp tục làm tăng thêm bất ổn.
Các thị trường chứng khoán châu Á đa số giảm điểm. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 27/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ siết chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm cũng như việc xuất khẩu các mặt hàng này.

Song, ông chủ Nhà Trắng đã không tuyên bố các biện pháp hạn chế cụ thể đối với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ dường như đã “xuống thang” khi không đề cập đến việc thắt chặt kiểm soát lên hoạt động đầu tư từ Trung Quốc vào nước này, qua đó xoa dịu phần nào những lo ngại về việc căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục nóng lên.

Tuy nhiên sau đó, Cố vấn kinh tế và thương mại Larry Kudlow của Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng những biện pháp nghiêm khắc vẫn đang được cân nhắc.

Điều này đã khiến giới đầu tư càng thêm “chật vật” khi cố gắng tìm kiếm những chỉ dấu về chính sách thương mại của Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó, lo ngại về “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới lòng tin nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán nước này đã giảm tới 22% kể từ mức “đỉnh” ghi nhận hồi tháng 1/2018.

Phiên này, thị trường chứng khoán Trung Quốc diễn biến khá trái chiều. Chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải kết thúc phiên trong sắc đỏ khi để mất 0,93% (26,28 điểm) xuống 2.786,9 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong lại tiến thêm 0,5% (141,06 điểm) và khép phiên ở mức 28.497,32 điểm nhờ nhóm cổ phiếu ngành năng lượng tăng mạnh trong bối cảnh giá dầu đi lên.

Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) phiên này tuy giảm, nhưng chỉ để mất 0,01% (1,38 điểm) và khép phiên ở mức 22.270,39 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng nằm trong xu hướng đi xuống của các thị trường khu vực, với chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 1,19% (27,79 điểm) xuống 2.314,24 điểm. Các thị trường Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Bangkok và Jakarta cũng đều nằm trong vùng âm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng NDT của Trung Quốc đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017 so với đồng USD khi khép phiên giao dịch ở mức 6,625 NDT đổi 1 USD, đánh dấu phiên suy giảm thứ sáu liên tiếp của đồng tiền này.

Tính đến thời điểm hiện tại của tháng Sáu, đồng NDT đã giảm tới 3% so với đồng USD – mức giảm theo tháng cao nhất kể từ năm 1994 tới nay, khi Trung Quốc "hợp nhất" tỷ giá hối đoái.

Phiên này, đồng euro giao dịch ở mức 1,1555 USD đổi 1 euro, giảm nhẹ từ mức 1,1559 USD/euro trước đó.

Trong khi đó, đồng USD đứng ở mức 110,34 yen/USD so với mức 110,27 yen/USD ghi nhận trước đó.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/6, hầu hết thị trường chứng khoán châu Âu đều đi xuống.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London để mất 0,5% xuống 7.584,87 điểm.

Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) cũng để mất 0,5% và đứng ở mức 12.289,81 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris cũng lùi gần 0,4% xuống 5.308,44 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục