Các thị trường khởi sắc sau quyết sách của Nhật Bản

16:56' - 31/07/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á đi lên và đồng yen của Nhật Bản biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/7, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất.

*Giá vàng tăng trước đồn đoán về động thái của Fed

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch 31/7 tại thị trường châu Á, được thúc đẩy bởi đồng USD yếu khi các nhà giao dịch chờ đợi thêm tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Kim loại quý này cũng được hưởng lợi từ hoạt động mua vào các tài sản trú ẩn an toàn sau khi có thông tin cho rằng thủ lĩnh lực lượng Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát bởi một cuộc tấn công, cho thấy khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông.

Cụ thể, cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.419,11 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn đáo hạn vào tháng 12/2024 tăng 0,5% lên 2.463,85 USD/ounce.

 
Giá vàng đã vượt qua mức 2.400 USD/ounce khi các nhà giao dịch chuyển hướng khỏi đồng USD trước khi cuộc họp của Fed kết thúc vào cuối ngày. Ngân hàng này được kỳ vọng lớn sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại. Tuy nhiên, trọng tâm sẽ tập trung chặt chẽ vào bất kỳ tín hiệu tiềm ẩn nào về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai, sau khi tiếp nhận một vài dấu hiệu cho thấy chỉ số lạm phát giảm dần và những bình luận ôn hòa từ các quan chức Fed.

Lãi suất thấp hơn có lợi cho vàng vì chúng làm giảm chi phí cơ hội khi đầu tư vào kim loại quý này. Thêm vào đó, căng thẳng Israel-Hamas cũng góp phần giúp kim loại quý này được hưởng lợi, khi xu hướng mua vào các tài sản trú ẩn an toàn gia tăng. Việc thủ lĩnh Ismail Haniyeh của phong trào Hamas thiệt mạng cho thấy nguy cơ leo thang trong xung đột Israel-Hamas, vốn đã kéo dài đến tháng thứ 9 liên tiếp mà chưa có dấu hiệu ngừng bắn.

Trong số các kim loại công nghiệp, đáng chú ý là giá đồng phục hồi từ mức thấp gần 4 tháng, do dữ liệu về chỉ số các nhà quản lý mua hàng của Trung Quốc suy yếu và những bình luận tích cực của chính phủ đã thúc đẩy hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc- quốc gia nhập khẩu đồng hàng đầu thế giới.

Giá đồng giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch kim loại London tăng 1,7% lên 9.123,50 USD/tấn trong phiên này.

*Giá dầu hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2023

Tại thị trường châu Á, giá dầu giao kỳ hạn phục hồi hơn 1 USD/thùng từ mức thấp nhất trong 7 tuần vào ngày 31/7, sau vụ việc liên quan tới lãnh đạo lực lượng Hamas Ismail Haniyeh ở Iran làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu áp lực bởi lo ngại về nhu cầu suy yếu của Trung Quốc.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,39 USD, tương đương 1,8%, lên 80,02 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn tăng 1,38 USD, tương đương 1,9%, lên 76,11 USD/thùng. Cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm khoảng 1,4% vào phiên giao dịch ngày 30/7, đóng cửa ở mức thấp nhất trong bảy tuần.

Tình hình căng thẳng diễn ra bất chấp những nỗ lực ngoại giao của các quan chức Mỹ và Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn sự leo thang có thể gây ra làn sóng xung đột lớn hơn ở Trung Đông.

Nhà phân tích Tony Sycamore của ngân hàng IG cho biết: “Sau ba tuần sụt giảm liên tiếp, vị thế mua từ các tài khoản đầu cơ dầu thô đã giảm đáng kể. Do đó, các điều kiện đã chín muồi để giá dầu phục hồi”.

Tuy nhiên, dầu Brent và WTI đều trên đà ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2023 do lo ngại kéo dài về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc và kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại và bắt đầu dỡ bỏ một số quy định cắt giảm từ tháng 10 năm nay.

Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng trực tuyến vào ngày 1/8 tới. Nhu cầu nhiên liệu chậm lại ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, cũng đang đè nặng lên thị trường dầu mỏ.

Một cuộc khảo sát chính thức mới đây cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7/2024, dấy lên kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ cần tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và thị trường việc làm ảm đạm đang cản trở tăng trưởng kinh tế.

*Chứng khoán châu Á khởi sắc sau quyết sách của BoJ

Thị trường chứng khoán châu Á đi lên và đồng yen của Nhật Bản biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/7, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất lên khoảng 0,25% và giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ xuống còn 3.000 tỷ yen (khoảng 20 tỷ USD), đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với đồng yen suy yếu.

Cuối phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1%. Trong khi đó, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng kết thúc phiên giao dịch đầy biến động vào ngày 31/7 với "sắc xanh", dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và tài chính. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 575,87 điểm, tương đương 1,49%, lên 39.101,82 điểm.

Ông Gary Dugan, Giám đốc điều hành của Văn phòng CIO Toàn cầu cho biết: “BoJ sẽ hy vọng rằng việc tăng lãi suất sẽ là niềm tin thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi nó sẽ báo hiệu rằng ngân hàng trung ương đang dần tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ".

Đồng yen dao động mạnh ngay sau thông tin trên được công bố. Đồng tiền này giao dịch ở mức 152,845 yen/USD vào cuối phiên, song vẫn đang trên đà đạt được mức tăng hơn 5% trong tháng 7/2024, tháng tăng đầu tiên trong năm nay.

 

Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/7,  nhờ sự dẫn dắt của nhóm công nghệ và đồn đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới. Đóng cửa phiên, chỉ số Kospi tăng 32,5 điểm (1,19%), lên 2.770,69 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi lên. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,2%, lên 17.380,46 điểm và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 2,1%, lên mức 2.938,75 điểm, sau khi dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động sản xuất tháng 7/2024 của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp, làm dấy lên kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ cần tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng tăng trưởng trì trệ hiện tại.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 1,6%, lên 8.080,30 điểm sau khi dữ liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Australia đã tăng lên 3,8% từ mức 3,6% và chỉ số giá tiêu dùng quý II/2024 tăng 1% so với quý trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục