Các ưu tiên của EU trong đàm phán thương mại với Anh

21:08' - 21/12/2019
BNEWS Mối quan tâm hàng đầu của EU khi thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với Anh là hai bên phải nhất trí về các tiêu chuẩn xã hội và môi trường chung và để tránh "một cuộc đua xuống đáy".
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier. Ảnh: TTXVN

Ngày 21/12, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier khẳng định mối quan tâm hàng đầu của EU khi thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với Anh là hai bên phải nhất trí về các tiêu chuẩn xã hội và môi trường chung và để tránh "một cuộc đua xuống đáy".

Trước đó, hôm 20/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định hướng tới một thỏa thuận với EU mà trong đó Anh sẽ không phải tuân thủ các quy định của khối này.
Trong một chia sẻ ngày 20/12, ông Barnier cho biết EU sẽ nỗ lực đạt được hiệu quả đàm phán cao nhất trong thời gian chưa đầy 11 tháng thương lượng về quan hệ thương mại với Anh, dự kiến diễn ra từ đầu tháng 2/2020 đến cuối năm này. 

Nhưng cũng giống Anh, EU sẽ luôn ưu tiên các lợi ích chiến lược.

Nhà đàm phán EU cho rằng cả hai bên đều hiểu rõ việc cạnh tranh trong các tiêu chuẩn xã hội và môi trường thay vì cạnh tranh về kỹ năng, sự sáng tạo và chất lượng sẽ chỉ dẫn tới một cuộc đua mà hai bên đều rơi xuống đáy, gây thiệt hại cho người lao động, người tiêu dùng và toàn thế giới.

Vì vậy, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Anh cũng đều phải đảm bảo "sân chơi công bằng" trong lĩnh vực tiêu chuẩn, trợ cấp nhà nước và các vấn đề thuế. Ông cũng khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào được hai bên ký kết cuối năm 2020 cũng đều có khả năng cao phải được điều chỉnh mở rộng trong những năm sau đó.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh bức tranh Brexit ngày càng rõ ràng hơn sau ngày 20/12 khi thỏa thuận Brexit mà Anh và EU ký kết hồi tháng 10 vừa qua đã được thông qua tại Hạ viện Anh, mở đường cho Thủ tướng Johnson hiện thực hóa cam kết hoàn thành Brexit đúng hạn vào ngày 31/1/2020. Nếu không có gì thay đổi, Anh và EU sẽ có khoảng 11 tháng kể từ khi Brexit chính thức diễn ra tới cuối giai đoạn chuyển tiếp.

Nhiều người lo ngại khoảng thời gian này quá ngắn để hai bên đạt thỏa thuận vì các thỏa thuận thương mại của EU với các đối tác thường mất vài năm đàm phán trước khi được ký kết và có hiệu lực. Nếu hai bên không đạt thỏa thuận vào cuối năm 2020 và Anh không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thì trao đổi thương mại song phương sẽ có nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng khi được thực hiện dựa theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục