Bất ổn xung quanh Brexit chưa khép lại với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc

17:52' - 21/12/2019
BNEWS Giới chuyên gia cảnh báo các nhà xuất khẩu Hàn Quốc nên có sự chuẩn bị trước việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vì giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài hơn dự đoán.
Cảng hàng hóa Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vừa qua, qua đó mở đường cho Quốc hội nước này thông qua dự luật về Brexit trước thời hạn là ngày 31/1/2020.

Để chuẩn bị cho Brexit, Hàn Quốc đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh, và hiệp định này sẽ được thực thi sau thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến hết năm 2020. FTA nói trên tập trung vào việc duy trì các lợi ích mà hai nước đang được hưởng theo hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và EU vốn có hiệu lực vào tháng 7/2011.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 18 của Hàn Quốc, chiếm chưa đến 2% tổng kim ngạch thương mại của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Dù vậy, Anh vẫn là một đối tác quan trọng vì "xứ sở sương mù" là một trong những nền kinh tế lớn của châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng việc các cuộc đàm phán hậu Brexit kéo dài có thể vẫn khiến các công ty Hàn Quốc phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan, bao gồm sự trì hoãn trong các thủ tục hải quan và việc cấp giấy chứng nhận từ phía Anh.

Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) cho rằng khác với thỏa thuận Brexit, các cuộc đàm phán hậu Brexit sẽ phức tạp hơn bởi các nước thành viên có những lợi ích khác biệt. Do các quy trình tại Quốc hội Anh và EU, các cuộc đàm phán cần được hoàn tất ít nhất là vào tháng 6/2020 để có thể kịp thời hạn.

Các cuộc đàm phán hậu Brexit có thể được kéo dài lên đến hai năm, dù London muốn hoàn tất đàm phán trước thời hạn ban đầu. Ông Kim Jung-kyun, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), cho rằng nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận, tình thế sẽ quay trở về điểm xuất phát.

Chuyên gia này cảnh báo dù các công ty Hàn Quốc có thể tránh thuế mới với hiệp định FTA nói trên, nhưng họ vẫn có thể phải đối mặt với không ít trở ngại khi nhiều sản phẩm được chấp thuận tại Anh, như các thiết bị y tế, có thể vẫn cần phải được cấp giấy phép mới để được bán tại các nước khác ở châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục