Cách Abenomics thổi hồn vào du lịch Nhật Bản - Phần 2: Sự phụ thuộc vào đồng yen “yếu”

06:30' - 14/04/2018
BNEWS Theo phân tích của chuyên gia Jesper Koll, khi đồng yen tăng giá khoảng 9,5% thì sẽ làm giảm 1,2% số lượng du khách hàng tháng và chi tiêu của mỗi khách du lịch cũng giảm khoảng 10%.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công, hai trong “3 mũi tên” trọng tâm của các chính sách cải cách kinh tế Abenomics, đã góp phần hạ giá đồng yen trên thị trường hối đoái. Tỷ giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định thói quen chi tiêu của khách du lịch. Đồng yen tăng mạnh ngay lập tức cắt giảm sức mua của họ, trong khi đồng yen yếu sẽ thúc đẩy chiều ngược lại.

Có thể thấy, tác động đến lượng khách du lịch dường như không đáng kể, song sự ảnh hưởng tiêu cực đối với tiêu dùng là không hề nhỏ.Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và cung cấp dịch vụ lưu trú khi đánh giá về chiến lược cạnh tranh giá và lợi nhuận của họ.Chẳng hạn như khi đồng yen mạnh hơn, áp lực cung cấp giảm giá mạnh hơn, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thấp hơn cho các nhà kinh doanh khách sạn trong khu vực.

Trước đây, nhiều chính khách cho rằng việc giảm giá đồng yen đã gây ra những tác động bất lợi đối với các thành phần kinh tế địa phương do đồng yen “yếu” có nghĩa là giá nhập khẩu hàng hóa cao hơn và các chi phí cũng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, trên thực tế, sự mất giá của đồng yen đang được xem như một công cụ chính sách tích cực để thúc đẩy tăng trưởng trong nước nói chung và tăng trưởng kinh tế khu vực nói riêng.

Giống như những tập đoàn lớn như nhà sản xuất ô tô Toyota và “người khổng lồ” điện tử Hitachi, các doanh nghiệp địa phương giờ đã trở thành những nhà xuất khẩu dịch vụ và hàng hoá ra thế giới. Sự bùng nổ du lịch trong nước cũng đã đem lại lợi ích cho các công ty toàn cầu và địa phương Nhật Bản.

Chưa thể kết luận chính xác về mặt thống kê những yếu tố nào đóng góp cho quyết định “mở hầu bao” của du khách; tuy nhiên, ông Jesper Koll nhận định rằng, trong những năm tới, ảnh hưởng tích cực từ sự thay đổi cơ cấu ngành du lịch sẽ giảm dần và tầm quan trọng của một đồng yen “yếu” như một động lực thúc đẩy tiêu dùng của khách du lịch tại Nhật Bản sẽ ngày càng lớn.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu chào đón 40 triệu du khách quốc tế và 8.000 tỷ yen chi tiêu cho du lịch vào 2020 - năm mà nước này tổ chức Thế vận hội mùa Hè tại thủ đô Tokyo. Giới quan sát đánh giá Nhật Bản sẽ đạt được những mục tiêu trên nếu ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng 20%, song việc tăng gấp đôi tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài sẽ là một thách thức lớn.

Trong một nỗ lực mới đây, Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) đã tiến hành một dự án nhằm giới thiệu sự quyến rũ của tài nguyên du lịch tại mỗi vùng của Nhật Bản, mời 30 người có ảnh hưởng mạnh mẽ (blogger) từ 20 quốc gia và khu vực đến thăm các vùng khác nhau của đất nước trong tháng 3 năm 2018 và giới thiệu ra nước ngoài các tài nguyên tham quan tại mỗi vùng. 

Về việc lựa chọn những địa điểm những người có ảnh hưởng sẽ tham quan, JNTO đã tăng cường sự quyến rũ của Nhật Bản tại mỗi khu vực bằng cách giới thiệu các điểm chụp ảnh đẹp và hướng tới các chương trình độc đáo tại Nhật Bản ngoài những điểm du lịch đã được nước ngoài đánh giá cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục