Những vấn đề “nóng” chờ đợi Thủ tướng Shinzo Abe phía trước

06:30' - 31/10/2017
BNEWS Ông Abe dường như chưa thể giành được "trái tim và khối óc" của những cử tri vốn hoài nghi thiên hướng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo kết quả chính thức công bố sau cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn diễn ra ngày 22/10, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe giành được 283 ghế, vượt xa mục tiêu 233 ghế quá bán mà ông Abe đề ra trong chương trình tranh cử.

Với nền tảng này, LDP có thể sẽ kiểm soát tất cả các ủy ban lập pháp tại Hạ viện. Đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền được 29 ghế. Như vậy, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 312 ghế/465 ghế tại Hạ viện, vượt mức đa số 2/3 cần thiết để có thể dễ dàng thông qua các quyết sách của chính phủ.

Trong khi đó, đảng Dân chủ lập hiến (CDP), bất ngờ vượt qua đảng Hy vọng của Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, vươn lên là đảng lớn thứ 2 tại Hạ viện và là đảng đối lập lớn nhất với 54 ghế.

Đảng Hy vọng, sau những ngày đầu tràn đầy lạc quan về khả năng trở thành đảng dẫn đầu phe đối lập tại Hạ viện, chỉ được 49 ghế tại Hạ viện, chấp nhận vị trí là đảng thứ 3. Đảng Cộng sản giành được 12 ghế, đảng Phục hưng được 10 ghế và đảng Xã dân được 1 ghế.

Đánh bại phe đối lập đang chia rẽ, chiến thắng của đảng LDP trong cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là sẽ củng cố cơ hội của Thủ tướng Abe tiếp tục đứng đầu đảng này trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng vào tháng 9/2018, mở đường cho ông Abe trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Phát biểu trong một chương trình truyền hình sau cuộc tổng tuyển cử, ông Abe nhấn mạnh rằng chính quyền của ông đã và đang nỗ lực cải cách tài chính công nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào khác.

Theo Thủ tướng Nhật Bản, để trả núi nợ công của đất nước, chính phủ cần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và đầu tư, thúc đẩy cải cách tài chính công.

Ông Abe cho hay chính phủ nước này sẽ thúc đẩy kế hoạch nâng thuế bán hàng vào năm 2019, nếu nền kinh tế Nhật Bản không trải qua bất kỳ cú sốc lớn nào giống như vụ sụp đổ ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008. Ông Abe đã hai lần trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng lên 10%.

Các nhà phân tích cho rằng việc tăng thuế bán hàng là rất cần thiết để khắc chế tình trạng nợ công rất lớn, hiện gấp đôi quy mô nền kinh tế Nhật Bản và là nước có mức nợ công lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.

Ông Abe cũng bảo vệ dự định của chính phủ là chuyển một phần số tiền thu được từ việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% cho việc chăm sóc trẻ em và giáo dục, nhấn mạnh rằng đầu tư vào trẻ em "chắc chắn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn".

Theo đánh giá của các chuyên gia, khủng hoảng của lực lượng đối lập đã trở thành một lợi thế rõ rệt của LDP, một chính đảng lớn, có nền tảng vững chắc, có thực lực và đặc biệt là một chủ tịch đảng dày dặn kinh nghiệm điều hành đất nước.

Về đối ngoại, chính quyền của Thủ tướng Abe đã thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, củng cố và mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm phát huy cao nhất lợi ích của đất nước.

Đối phó với vấn đề Triều Tiên khi cam kết sẽ tăng sức ép nếu Bình Nhưỡng không chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa là bằng chứng rõ nhất về năng lực xử lý tình huống khủng hoảng của chính quyền Thủ tướng Abe.

Những phản ứng mạnh mẽ và rõ ràng liên quan đến vấn đề "nóng" này đã ghi thêm điểm cho lãnh đạo đảng cầm quyền.

Bên cạnh lợi thế về năng lực xử lý an ninh đối ngoại, những thành tựu về đối nội cũng tạo thuận lợi cho LDP. Thủ tướng Abe tiến hành nhiều đợt cải tổ chính phủ, trong đó cuộc cải tổ chính phủ hồi tháng 8 vừa qua với trọng tâm nhấn mạnh tính ổn định và chuyên nghiệp của chính quyền được dư luận hoan nghênh.

Lĩnh vực kinh tế cũng là một điểm sáng, mang lại lợi thế cho liên minh cầm quyền. Bất chấp một số tranh cãi và vấp phải không ít khó khăn, nhưng chính sách kinh tế Abenomics do Thủ tướng Abe khởi xướng từ năm 2012, khi ông trở lại nắm quyền lãnh đạo chính phủ, đã đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phục hồi khả quan.

Các số liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, trong quý II năm 2017 kinh tế tăng trưởng 0,6%, đánh dấu quý thứ sáu liên tiếp tăng trưởng và là thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong hơn 10 năm qua. Thị trường chứng khoán Tokyo, thước đo của nền kinh tế Nhật Bản cũng liên tục khởi sắc do giới đầu tư đặt niềm tin vào chính sách kinh tế của chính quyền Thủ tướng Abe.

Với chiến thắng này, giới quan sát dự đoán ông Abe sẽ bắt đầu tiến trình thúc đẩy vai trò của quân đội - một tham vọng mà lâu nay ông vẫn ấp ủ. Chắc chắn, ông sẽ tận dụng chiến thắng này để bắt đầu tiến trình sửa đổi hiến pháp kéo dài.

Vị Thủ tướng theo đường lối diều hâu của Nhật Bản muốn thay đổi bản hiến pháp do Mỹ đề ra, một bản hiến pháp bị những người theo đường lối bảo thủ coi là di sản "lỗi thời" của thất bại thời chiến, để Nhật Bản có thể chính thức biến "Lực lượng Phòng vệ" được trang bị tốt và huấn luyện kỹ lưỡng thành một quân đội "đủ lông đủ cánh".

Rắc rối đối với Thủ tướng Abe là nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy yêu thích, và tự hào, về các điều khoản hòa bình của bản hiến pháp hiện hành, vốn được họ tin rằng rất hữu ích đối với họ trong 7 thập kỷ qua.

Tobias Harris, chuyên gia về chính trường Nhật Bản hiện làm việc tại công ty tư vấn Teneo Intelligence có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định rằng cuộc bầu cử này một lần nữa nêu bật "các mối quan hệ chông gai của ông Abe với người dân Nhật Bản".

Một cuộc thăm dò ý kiến cử tri khi họ rời phòng bỏ phiếu do hãng tin Kyodo tiến hành cho thấy 51% cử tri không tin tưởng vào vị Thủ tướng của họ. Một cuộc thăm dò ý kiến khác do báo Asahi theo đường lối tự do tiến hành cũng cho thấy 47% số người được hỏi ý kiến mong muốn Nhật Bản có một nhà lãnh đạo khác.

Mặc dù tham vọng cá nhân là vậy (thay đổi hiến pháp), song ông Abe cũng khá nhạy cảm trước những ác cảm của công chúng trong vấn đề này. Naoto Nonaka của trường Đại học Gakushuin cho rằng ông Abe hiểu ông không thể thúc ép việc thay đổi hiến pháp.

Ngay sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông cam kết sẽ "đẩy mạnh" cuộc tranh cãi trong Quốc hội và hứa sẽ không tận dụng đa số áp đảo mà ông giành được để ép buộc tạo ra những thay đổi.

Trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều có những "cái phanh" hãm các tham vọng của ông Abe bởi bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều phải được đưa ra trưng cầu dân ý. Các cuộc thăm dò ý kiến tiếp tục cho thấy cử tri Nhật Bản lo lắng về nền kinh tế suy yếu của Nhật Bản hơn là về các dự án "cưng" của ông Abe.

Mikitaka Masuyama, Giáo sư của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, cho rằng sẽ là không khôn ngoan nếu vị Thủ tướng này dùng chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua để hiện thực hóa các quan điểm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông.

Ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 22/10 bởi phe đối lập "không thể hình thành một mặt trận đoàn kết" chống lại ông. "Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cử tri Nhật Bản đang nghiêng về phe bảo thủ", Giáo sư Masuyama kết luận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục