Cách bảo quản ô tô không sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội

20:08' - 01/08/2021
BNEWS Để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành ổn định sau nhiều ngày không sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bạn đừng quên thực hiện những việc sau.

Trong thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và đặc biệt ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch COVID-19, các địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, “ai ở đâu ở đấy”, ô tô để lâu ngày không sử dụng dễ bị xuống cấp hay hư hỏng vặt nên cần phải bảo quản đúng cách.

1. Rửa xe và dọn rác

Tranh thủ rửa sạch xe để loại bỏ bùn đất, bụi bám trên thân xe, hốc bánh xe và gầm xe, đặc biệt là loại trừ những vết bẩn như nhựa đường hay sơn tường khi đi qua những đoạn đường mới thảm nhựa hoặc qua công trình đang sơn sửa để lâu ngày vết bẩn này sẽ khó loại bỏ.

Ở bên trong nên dọn sạch rác, thức ăn, đồ uống… giặt thảm trải sàn và vệ sinh cốp sau sạch sẽ. Dùng máy hút bụi hút sạch các ngóc ngách, hộc để đồ, khe ghế và dưới gầm ghế để ngăn chặn mùi, ẩm mốc, đặc biệt là tránh côn trùng, động vật xâm nhập và làm hỏng hóc các bộ phận trong xe.

Ngoài ra, người sử dụng cũng nên ngắt các thiết bị gắn thêm trên xe như camera hành trình, sạc điện thoại và không nên để lại những đồ vật có nguy cơ cháy nổ cao như bật lửa ga, nước có ga… trong xe, tránh những hôm trời nắng nóng, nhiệt độ trong khoang xe lên cao những đồ vật này có thể gây nổ.

2. Kiểm tra bình ắc quy

Ắc quy là chi tiết quan trọng trên xe. Nếu lâu ngày không hoạt động, bình ắc quy giảm lượng điện, nhất là đối với bình cũ và hệ thống ắc quy sẽ mất dần khả năng sạc lại.

Thậm chí trong nhiều trường hợp khi không nổ máy được phải kích nổ hoặc câu điện từ xe khác. Với những xe đời cũ và bình ắc quy yếu, lái xe nên trang bị một dây câu điện đề phòng khi cần đến.

Sau 2 tuần không sử dụng, bạn nên khởi động xe để động cơ làm việc trong khoảng 15 phút, giúp bảo quản ắc quy tốt và tăng độ bền cho động cơ và các phần tử khác.

3. Thay dầu và bổ sung chất lỏng

Với những ô tô được bảo dưỡng định kỳ nên việc thay dầu máy, dầu phanh hay nước làm mát đã được các đại lý phục vụ. Nhưng với những xe không thay dầu định kỳ và sau một thời gian sử dụng và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao trong động cơ sẽ bẻ gãy các phân tử dầu, dầu dễ bị oxy hóa làm giảm khả năng bôi trơn.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động của động cơ, ma sát giữa các chi tiết kim loại tạo ra muội và bụi kim loại li ti sẽ khiến dầu đặc dần trở thành lực cản khiến các chi tiết trong động cơ không thể chuyển động gây tình trạng bó máy hoặc nóng máy.

Ngoài ra, đừng quên bổ sung các chất lỏng cần thiết khác như đổ thêm nước làm mát, kiểm tra dầu phanh và bộ lọc dầu mới.

4. Bổ sung nhiên liệu

Dù ô tô để lâu không sử dụng, nhưng cũng nên đổ đầy bình nhiên liệu để tránh bị không khí ẩm xâm nhập vào bình xăng gây ngưng tụ hơi nước, dẫn đến hiện tượng "nghẹt xăng" khiến chiếc xe khó nổ máy trở lại.

Khi lượng xăng thấp, bơm xăng sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Điều này sẽ khiến cho tình trạng của máy bơm xấu đi. Tuy nhiên, nhiệt độ làm xăng giãn nở, việc bơm đầy bình xăng không chỉ khiến xăng tràn ra ngoài mà còn làm cho xăng tạo áp lực không cần thiết lên bình chứa nhiên liệu của xe.

5. Đảm bảo áp suất lốp tiêu chuẩn

Khi xe không được sử dụng, áp suất lốp có thể tự giảm sau một khoảng thời gian nhất định, làm trọng lượng xe đè lên lốp khiến chúng dễ bị nứt và hỏng.

Mỗi xe đều có mức áp suất khuyến nghị khác nhau của nhà sản xuất và thường có ở sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc trên miếng decal dán vào cửa/bệ cửa xe và ở cả trên thành lốp ô tô. Người sử dụng nên dựa vào thông số này việc bơm lốp xe đảm bảo áp suất lốp tiêu chuẩn trước khi tạm dừng sử dụng.

6. Chống chuột xâm nhập

Dưới nắp ca pô là cỗ máy vận hành của chiếc xe và cũng là nơi yêu thích nhất để chuột và gián trú ngụ và cũng là nơi dễ bị phá hoại nhất. Chuột không chỉ tha rác thải, thức ăn về khoang máy mà còn để lại tàn dư trong đó, đặc biệt chuột còn gặm nhấm và cắn dây điện làm xe không nổ được mà còn có nguy cơ gây ra chập cháy.

Do đó bên cạnh việc người dùng nên kiểm tra khoang máy động cơ thì cũng nên dùng các mẹo nhỏ khác như rải thuốc đuổi chuột, dùng băng phiến, long não hoặc tinh dầu có mùi gừng, mùi bạc hà… đặt trong khoang động cơ để đuổi chuột.

7. Chọn nơi đỗ xe

Nên chọn nơi đỗ xe thoáng mát, có mái che và không nên đỗ xe trên bãi cỏ hoặc đất, vì hơi ẩm bốc lên có thể làm rỉ sét một số bộ phận của xe nếu đỗ lâu ngày.

Trường hợp buộc phải đỗ xe ngoài trời nên có bạt phủ để xe không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, hạn chế ảnh hưởng đến bề mặt sơn cũng như các chi tiết nội thất của xe. Ngoài ra, không nên đỗ xe quay đầu vào mà nên quay đầu xe ra lối đi.

8. Hạ phanh tay (trừ khi đỗ trên dốc), dùng dụng cụ chèn lốp với dốc

Thông thường, khi đỗ xe, lái xe thường về P đối với xe số tự động và về N đối với xe số sàn và kéo phanh tay để giúp xe không di chuyển. Tuy nhiên, việc kéo phanh tay và để quá lâu có thể gây tình trạng má phanh giữ chặt vào đĩa phanh làm kẹt phanh, thậm chí gỉ sét.

Do đó, đỗ xe trên bề mặt bằng phẳng nên hạ phanh tay, còn đỗ xe nơi có độ dốc, người dùng vẫn cần kéo phanh tay, một tuần kéo hạ vài lần hoặc cần có dụng cụ chèn lốp chuyên nghiệp hoặc chặn gạch để tránh xe bị trôi ngoài ý muốn.

9. Khởi động xe tối thiểu 1 lần/tuần

Dù là thời gian giãn cách xã hội, nhưng bạn cũng nên dành ít nhất 10 phút/tuần để khởi động xe để dầu và các chất lỏng khác có thể lưu thông trong động cơ và sạc ắc quy, nếu có điều kiện cho xe lăn bánh trong khoảng thời gian này để đảo vị trí bề mặt lốp khi đỗ xe.

Cùng với đó, sau khi nổ máy lái xe nên vào D và R để xe di chuyển cho trục quay chuyển động 1 lúc (vì xe để lâu ngày khối lượng xe sẽ đè nặng lên 2 trục quay bánh có khả năng kẹt hoặc tì trục ở ổ quay). Những việc làm này không chỉ giúp duy trì tuổi thọ động cơ, ắc quy và lốp mà còn đảm bảo xe có thể khởi động hiệu quả mọi lúc.

Thực hiện những việc làm này trước khi tạm dừng sử dụng xe dài ngày trong thời gian giãn cách xã hội sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và có thể nhanh chóng khởi động lại chiếc xe bất cứ lúc nào./.

>>>  Shipper có được hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục