Cách bày mâm cỗ Trung thu đơn giản mà đẹp

08:07' - 24/09/2020
BNEWS Vào dịp rằm Trung thu, các gia đình Việt Nam thường bày một mâm cỗ thật đẹp để dâng cúng tổ tiên và trông trăng. Tuy nhiên, bày một mâm cỗ đơn giản mà đẹp thì không phải ai cũng biết.

Những lễ vật trong mâm cỗ Trung thu truyền thống

Mâm cỗ Trung thu truyền thống thường có hoa quả, bánh trái, đồ chơi truyền thống. Điều này giúp cho mâm cỗ trông như một “thế giới” thu nhỏ để mời “chị Hằng và chú Cuội” xuống chơi.   

Trái cây: Nải chuối chín vàng, quả hồng (ý nghĩa no đủ), quả na (có nhiều mắt mang ý nghĩa sinh sôi), quả bưởi (mang ý nghĩa cầu điềm lành), quả lựu (may mắn). Ngoài ra, các loại quả trong mâm cỗ Trung thu truyền thống thường có cả quả xanh, quả chín, mang ý nghĩa âm - dương hòa hợp, cân bằng theo quan niệm người xưa.

Bánh Trung thu: bánh nướng và dẻo. Bánh nướng bánh dẻo có thể bánh hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời đất; hoặc có thể là hình chú cá chép, hay chú lợn béo tròn. 

Trà hoa sen, hương hoa nhài… để dùng khi thưởng bánh, trò chuyện tâm tình dưới trăng.

Đặc biệt, mâm cỗ cúng Trung thu không thể thiếu đèn ông sao hoặc 2 ông tiến sĩ giấy với ý nghĩa mong con cháu học hành thành đạt.

Ngoài ra, mâm cỗ Trung thu ngày nay có bày thêm nhiều món ăn đồ trang trí như đèn lồng, đồ chơi Trung thu, các món quà tặng các bé để mâm cỗ được sinh động, thú vị và hấp dẫn từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Bày mâm ngũ quả Trung thu đẹp và đơn giản

Để trang trí mâm ngũ quả cúng rằm Trung thu tháng 8 mỗi người sẽ có những cách làm khác nhau nhưng đa phần sẽ sử dụng các loại hoa quả để xếp, tạo hình cắt tỉa thành các con vật ngộ nghĩnh đẹp mắt.

Đồng thời kết hợp sử dụng một số loại hoa, hay đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, trống, mặt nạ… để trang trí để có thể cùng nhau phá cổ thưởng thức và trẻ có quà vui chơi trong đêm rằm.

Tùy thuộc vào quy mô tổ chức Trung thu, tại trường học, trường mầm non, các cơ quan hay cúng Trung thu tại nhà mà có thể lựa chọn những cách trang trí, sắp xếp mâm hoa quả khác nhau để có được những bàn tiệc cúng Tết Trung thu bánh quà đầy mâm ý nghĩa, mâm phá cổ đủ đầy, vui vẻ cho mọi người.

Cách cúng rằm Trung thu 

Tùy theo phong tục địa phương mà có thể làm mâm cỗ cúng Trung thu ngoài trời và có nhiều nơi, gia đình còn làm mâm cỗ cúng gia tiên ngày Trung thu. 

Sau khi chuẩn bị lễ cúng xong đặt mâm cúng trên bàn hoặc trên chiếu ở ngoài trời, nếu có mâm cúng gia tiên Tết Trung thu càng tốt và thành tâm khấn lễ.

Cách cúng Tết Trung thu rằm tháng 8 sẽ cần lên hương thắp ở ban thờ, hoặc nếu cúng ngoài trời thì phải chuẩn bị các vật cắm hương.

Bài khấn cúng lễ rằm Trung thu không quá cầu kỳ, phức tạp bởi đây là lễ đoạn viên, tạ ơn nên thường chuẩn bị mâm cỗ hoa quả, bánh kẹo cúng ngoài trời, ngoài ra gia chủ có gì thì cúng thêm thứ đó không bắt buộc. Nếu làm mâm cỗ với lễ mặn thì ưu tiên thịt gà và lợn, tránh sử dụng thịt chó, mèo…

Tết Trung thu hay ngày rằm tháng 8 năm nay đang đến gần bởi vậy để có một ngày Trung thu ý nghĩa, một mùa tết đoàn viên sum vầy hãy đừng quên lên kế hoạch chuẩn bị ngày lễ từ mâm lễ cúng tới kế hoạch vui chơi, thăm hỏi, đoàn tụ người thân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục