Cách giữ thực phẩm ngon và an toàn trong thời gian giãn cách

15:35' - 03/08/2021
BNEWS Trong những ngày giãn cách hạn chế đi lại, các gia đình chỉ nên đi chợ 2 lần/tuần. Việc bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn mà vẫn đủ dinh dường là ưu tiên hàng đầu trong mùa dịch COVID-19.

Trong bối cảnh Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh... Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo người dân chỉ nên đi chợ 2 lần/tuần nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; đồng thời lưu ý về mô hình bảo vệ các vùng xanh an toàn tại các địa phương có dịch.

Để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong những ngày giãn cách, các bà nội trợ nên thực hiện tốt các biện pháp sau:

Phân loại thực phẩm để bảo quản

Để giúp thực phẩm luôn tươi ngon, đầu tiên bạn cần phải phân loại thực phẩm trước khi bảo quản như sau:

Đối với thực phẩm tươi sống (thịt, cá, hải sản)

Đầu tiên, sau khi mua thực phẩm tươi sống về, bạn rửa sạch và để ráo các loại thực phẩm như thịt, cá.

Tiếp đó, bạn chia nhỏ mỗi phần thực phẩm tươi sống và cho vào túi zip hoặc hộp đựng thực phẩm để tiện cho việc sử dụng. Tránh rã đông khối lượng lớn thực phẩm cùng một lúc trong khi bạn sử dụng chỉ có một ít, vì sẽ dễ ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm vào lần sử dụng sau.

Cuối cùng, bạn có thể đặt vào ngăn mát tủ lạnh (từ 2 - 4 độ C) với thời gian sử dụng từ 3 - 5 ngày, hoặc ngăn đông tủ lạnh (khoảng -18 độ C) với thời gian bảo quản lên đến 3 tháng, thậm chí đến 12 tháng nhưng càng sử dụng sớm càng tốt bạn nhé!

Phân loại thực phẩm tươi sống để bảo quản

Đối với rau củ

Với các loại rau củ, bạn không nên rửa sạch nếu chưa có nhu cầu sử dụng ngay liền. Thay vào đó hãy loại bỏ những phần bị úng, héo và tuyệt đối không để rau củ bị dính nước bạn nhé!

Sau đó, bạn chia rau củ với lượng vừa phải, rồi cho vào túi zip hoặc túi nilong (có lỗ thoát khí) và đặt vào ngăn rau quả của tủ lạnh. Vì ngăn này được thiết kế riêng biệt giúp duy trì nhiệt độ và độ ẩm tối ưu, làm cho rau củ trở nên tươi ngon hơn.

Ngoài ra, bạn có thể đặt tại bất kì vị trí nào bên trong ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ từ 3 - 5 độ C với thời gian sử dụng từ 2 - 7 ngày.

Đối với trái cây

Khi bảo quản trái cây, bạn nên phân loại 2 nhóm: nhóm trái cây nguyên trái (còn vỏ) và nhóm trái cây đã cắt thái (đã gọt vỏ):

Với nhóm trái cây nguyên trái: Bạn có thể loại bỏ những phần cuống bị hư hoặc những quả bị úng, héo (như nho, nhãn, vải,…). Sau đó, có thể dùng khăn khô sạch để lau chùi bề mặt của quả và cho vào túi zip có lỗ thoát khí, rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 5 độ C.

Với nhóm trái cây đã cắt thái: Bạn nên bảo quản trong hộp đựng thực phẩm và đặt vào ngăn mát tủ lạnh cũng với nhiệt độ tối ưu từ 3 - 5 độ C, sử dụng càng sớm càng tốt với thời gian bảo quản từ 1 - 2 ngày.

Đối với thức ăn đã nấu chín

Với thực phẩm đã được nấu chín, bạn cần để nguội (khoảng 2 tiếng) trước khi cho vào hộp đựng thực phẩm, đậy kín và đặt ở nhiệt độ từ 2 - 4 độ C bên trong ngăn mát tủ lạnh. Vì nếu đặt thức ăn còn đang nóng vào trong tủ lạnh sẽ dễ làm tăng nhiệt độ và gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác cũng như khiến cho máy nén hoạt động nhiều hơn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của tủ lạnh.

Thời gian sử dụng thức ăn đã được nấu chín nên diễn ra trong khoảng 3 ngày và bạn có thể chia nhỏ lượng thức ăn trước khi bảo quản giúp cho việc sử dụng được tiện lợi hơn.

Đóng gói thực phẩm an toàn

Đóng gói thực phẩm an toàn cũng là một trong những cách giúp bạn duy trì được độ tươi ngon của thực phẩm. Cụ thể, bạn cần phải phân loại và sơ chế thực phẩm như Điện máy XANH đã hướng dẫn ở phần trên.

Sau đó, bạn nên đảm bảo cho đôi bàn tay được sạch sẽ và chỉ sử dụng các loại túi sạch (còn mới) trước khi cho thực phẩm vào và bịt kín.

Cuối cùng, bạn hãy đặt vào tủ lạnh ở vị trí thích hợp như ngăn mát hoặc ngăn đá. Một điều đáng lưu ý thêm, bạn nên bảo quản thực phẩm tươi sống (như thịt, cá, hải sản) trong ngăn đông mềm của tủ lạnh nếu có dự định sử dụng từ 1 - 3 ngày. Vì đây là phần ngăn được thiết kế riêng với nhiệt độ ổn định và tách biệt với các loại thực phẩm khác bên trong ngăn mát tủ lạnh, nhất là việc tránh lẫn mùi thực phẩm.

Ngoài ra, cũng có thể đặt thực phẩm tươi sống vào ngăn đá tủ lạnh với thời gian bảo quản lâu hơn đến vài tháng.

Không để quá nhiều đồ trong tủ lạnh

Việc đặt quá nhiều đồ vào bên trong tủ lạnh sẽ ảnh hưởng đến các luồng khí lạnh luân chuyển, khiến cho thực phẩm được làm lạnh không đồng điều. Đây cũng là nguyên nhân làm cho thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất do không đủ độ lạnh.

Đặt nhiệt độ phù hợp để bảo quản từng loại thực phẩm

Mỗi nhóm thực phẩm đều được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, đối với rau củ thường được bảo quản bên trong ngăn mát tủ lạnh từ 1 - 4 độ C.

Trong khi với thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt và cá có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 1 - 3 độ C (nên sử dụng trong ngày, càng sớm càng tốt) hoặc ở ngăn đông -18 độ C (với thời gian sử dụng lâu hơn, từ 1 - 3 ngày).

Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Môi trường ẩm bên trong tủ lạnh có thể xuất hiện nấm mốc, vi khuẩn từ thực phẩm nếu bạn như bạn không vệ sinh tủ lạnh theo định kỳ khoảng 3 - 6 tháng/lần.

Việc vệ sinh tủ lạnh sẽ giúp cho các động cơ bên trong tủ lạnh được nghỉ ngơi và hỗ trợ loại bỏ những cặn bẩn từ thực phẩm bám trên khay đựng, có thể len lỏi vào những khe của tủ lạnh. Ngoài ra, còn giúp loại bỏ mùi hôi và tạo bầu không khí tươi xanh bên trong không gian tủ.

Đông lạnh thực phẩm

Bạn có thể cho thực phẩm vào túi zip và ép không khí bên trong túi ra ngoài (hoặc sử dụng hút chân không thì càng tốt). Sau đó, bạn đặt thực phẩm vào ngăn đông sẽ giúp thời gian sử dụng rất lâu đến tận 1 năm.

Sắp xếp thực phẩm một cách hợp lý

Việc sắp xếp thực phẩm hợp lý cũng giúp bạn sử dụng thực phẩm đúng cách và giảm thiểu tình trạng vứt bỏ lãng phí. Hãy đặt thực phẩm mới vào phía bên trong tủ và những thực phẩm cũ trước đó đặt ở phía ngoài để tiện lấy ra sử dụng.

Ngoài ra, xếp các hộp chứa thực phẩm gọn gàng, còn với các túi thực phẩm có thể xếp chồng lên và lót khay đối với thực phẩm tươi sống (như thịt, cá) để tránh nước từ các loại thực phẩm ấy tràn ra ngoài.

Bạn có thể ghi chú thời gian và dán trên bao bì hộp hoặc túi thực phẩm để biết được thời gian sử dụng.

Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong những ngày giãn cách

Ăn đa dạng, đủ chất

Cần xây dựng các bữa ăn hằng ngày đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ăn đa dạng, cân bằng tất cả các loại thực phẩm. Tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, đậu đỗ… để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh. Bổ sung một số thực phẩm có nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin E… như cam, quýt, bưởi, các loại ớt chuông, ổi, các loại rau có màu xanh đậm… là những chất chống ôxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Khi đi mua thực phẩm

Nên mua thực phẩm dùng trong khoảng vài ngày đến 1 tuần. Hạn chế đi chợ, ra siêu thị nhiều lần trong tuần. Phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người xung quanh trong quá trình lựa chọn thực phẩm, khi chờ thanh toán. Sử dụng dung dịch khử khuẩn tay trước và sau khi ra khỏi cửa hàng, siêu thị.

Sử dụng dụng cụ gắp, kẹp thực phẩm chuyên dụng hoặc găng tay khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, không bao gói sẵn. Chọn thực phẩm tươi, ngon, không bị hư hỏng. Không mua thực phẩm bị mọt, mốc, hết hạn sử dụng. Vệ sinh túi, làn, dụng cụ chứa đựng thực phẩm sau mỗi khi sử dụng.

Đảm bảo an toàn khi chế biến

Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm và nấu ăn. Sử dụng dao, thớt, dụng cụ chứa đựng… riêng khi chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Dụng cụ cần tráng bằng nước sôi trước khi sử dụng. Nấu chín kỹ thực phẩm. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, tủ lạnh.

Bảo quản thức ăn

Thức ăn sau khi nấu chín chưa ăn ngay bảo quản cần: Che đậy tránh bụi, côn trùng. Bảo quản ở nhiệt độ môi trường (khoảng 22 độ C) không quá 2 giờ. Môi trường mùa hè thì không để thực phẩm, thức ăn ở bên ngoài quá 1 giờ. Khi có nhu cầu bảo quản lâu hơn, cần sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản.

Thức ăn dư thừa, nếu để sử dụng cho bữa ăn sau cần đậy kín, để nơi thoáng mát hoặc bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh, đun sôi lại trước khi ăn.

An toàn bữa ăn gia đình

Luôn thực hiện ăn chín uống sôi. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung. Không dùng chung cốc uống nước. Không ăn thức ăn sống hoặc tái như cá sống, thịt sống, trứng sống, gỏi, tiết canh… Rau, củ, quả khi ăn sống phải đảm bảo được rửa nước sạch, nên gọt vỏ trước khi ăn.

Đối với người bị cách ly

Người cách ly không được nấu ăn, phục vụ ăn uống cho người khác. Không ngồi ăn chung với các thành viên trong gia đình. Cần rửa, tiệt trùng, bảo quản riêng dụng cụ ăn uống của người đang cách ly.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục