Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến xuất khẩu

13:32' - 18/08/2017
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra khả năng khả năng giúp xuất khẩu đáp ứng về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0-những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam”. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như Việt Nam, phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.

Để có những giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sáng 18/8, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0-những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Xuất khẩu là một hoạt động quan trọng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nói chung và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Điều này thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua.

Với tốc độ tăng bình quân là 17,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015, xuất khẩu cả nước vượt lên và xếp thứ 26 trong nhóm các nước có nền kinh tế lớn nhất và đạt mức 176,6 tỷ USD trong năm 2016.

Dự kiến, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước sẽ vượt mốc 200 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền… mở ra khả năng khả năng giúp xuất khẩu đáp ứng về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Không dừng lại ở đó, công nghiệp 4.0 còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số” mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng.

Qua đó, các hệ thống liên tiếp chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn hàng hay về sự cố hoặc lỗi.

Nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí vật liệu.

Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những đột phá với những giống cây trồng mới có những tính năng thích ứng với tình trạng hạn hán, nước nhiễm mặn hoặc chống sâu bệnh và có năng suất, chất lượng cao nhờ công nghệ sinh học phân tử.

Với việc nhiều loại vật liệu mới, sản phẩm mới được hình thành, những giao dịch xuất khẩu thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng thì cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cũng cần điều chỉnh theo kịp tình hình mới.

Điều này sẽ giúp đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu cũng như đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn môi trường, an toàn lao động và các mục tiêu cộng cộng chính đáng khác phù hợp với những điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Ông Cái Hồng Thu - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ: Để duy trì năng lực và lợi thế cạnh tranh, VICEM luôn xác định cần phải đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở nền tảng công nghệ tiên tiến các nhà máy hiện có, đầu tư kết hợp kế thừa và tùy chỉnh thiết kế để có được các nhà máy thông minh, khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng.

Theo ông Phạm Đình Lộc- Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVNHCMC): EVNHCMC xác định ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin hiện đại hóa lưới điện cũng như quản trị doanh nghiệp, kinh doanh, dịch vụ khách hàng... là một trong những khâu đột phá để phát triển bền vững.

Hiện tại, Tổng công ty đã và đang thực hiện có lộ trình hiện đại hóa lưới điện theo hướng tự động hóa, đồng bộ với đầu tư lưới điện kết nối mạch vòng, giảm thiểu mất điện, nâng cao độ tin cậy cấp điện cho khách hàng.

Ngoài ra, công ty đã xây dựng đội ngũ chuyên gia quản lý, vận hành lưới điện từng bước làm chủ công nghệ mới.

Ông Trần Việt Hòa - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016, Việt Nam được xếp hạng chung là 56/140. Tuy nhiên, các chỉ số về đổi mới sáng tạo lại thấp.

Mới đây, Đề án Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 754/QĐ-TTg.

Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành đánh giá, xem xét và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong định hướng phát triển và điều chỉnh chính sách phát triển.

Đặc biệt, trong ngành công nghiệp - thương mại, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu, cụ thể cho từng lĩnh vực; định hướng, điều chỉnh phù hợp.

Ông Đỗ Trung Hiếu - Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Smartlines JSC - Vietnam IOT Alliance khuyến cáo doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng công nghiệp 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất của mình; chờ đợi công nghệ hoàn thiện là quá muộn để kịp thay đổi.

Tuy nhiên, để làm tốt điều này, doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác tin cậy cung cấp các giải pháp, công nghệ và tư vấn triển khai. Mặt khác, xây dựng tập hợp các nhà cung cấp công nghệ thứ ba, bởi công nghiệp 4.0 là sự chuyển dịch từ mô hình 1 nhà cung cấp sang mô hình nhiều nhà cung cấp, công nghệ tích hợp với nhau.

Từ đó, đầu tư thành lập 1 nhóm chuyên môn nghiên cứu các cải tiến và áp dụng công nghiệp 4.0 trên quy mô toàn doanh nghiệp, dựa trên một văn hóa mở với các thay đổi và thử nghiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục