Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức cho giới doanh nghiệp là gì?

09:51' - 05/08/2017
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra những cơ hội lớn cho nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng thách thức mang tới không hề nhỏ.

Điềm tĩnh đón nhận, xác định chiến lược, hay có phương án thích ứng ngay từ bây giờ... là những ghi nhận của phóng viên BNEWS với các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp về cuộc cách mạng này.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex): Thách thức lớn

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trào lưu mới đang xuất hiện trên thế giới, đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0 này áp dụng các ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin với 3 trụ cột Internet cho vạn vật (IoT), big data và trí tuệ nhân tạo.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đối với Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may Việt Nam - ngành sử dụng nhiều lao động ở mức độ đào tạo đơn giản thì đương nhiên áp lực của việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ trở thành thách thức tương đối lớn.

Ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là sợi - dệt nhuộm - may mặc; trong đó, ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua, qua đó, đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số lao động.

Nếu như trước đây 10 năm, 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến năm 2016, những doanh nghiệp tiên tiến nhất của Việt Nam với 10 nghìn cọc sợi cũng chỉ cần 25 - 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây. Nói một cách khác, năng suất lao động trên đầu người đã tăng gần 4 lần trong thời gian vừa qua.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những cơ hội mới cho ngành. Với doanh nghiệp dệt may, trong giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này và phải chấp nhận trong giai đoạn này tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới sẽ diễn ra nhanh hơn trước kia.

Nếu trước đây trung bình 5 năm ngành may mới có một loạt công nghệ mới, có khoảng cách về năng suất, chất lượng so với công nghệ cũ; ngành sợi khoảng 10 năm; ngành dệt nhuộm khoảng 15 năm; thì với cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng thời gian sẽ ngắn lại. Các đời công nghệ mới sẽ liên tục xuất hiện với ứng dụng của xử lý công nghệ thông tin qua big data, Internet và robot hóa trong các bước của quá trình sản xuất.

Tôi cho rằng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh. Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua.

Do vậy, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.

Không thể có sự thay đổi đột ngột từ hệ thống công nghệ này sang hệ thống công nghệ khác mà sẽ có một thời gian chuyển tiếp. Vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư mới, phải hướng tới đầu tư công nghệ tự động nhưng vẫn cần duy trì sản xuất hệ thống công nghệ hiện nay để phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp nên tiếp tục khai thác, tích lũy để từng bước chuẩn bị cho 5 năm tới khi bước vào chu kỳ thay đổi mạnh mẽ hơn về trình độ công nghệ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Chính phủ cần có sự quan tâm những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại.

Cụ thể như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào khu vực có trình độ công nghệ cao trong ngành, xem xét kể cả hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp những năm trước để doanh nghiệp đầu tư nhưng với điều kiện phải đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam: Nên bắt đầu bằng những việc đơn giản

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không ngay lập tức ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động các ngành nghề. Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi các ngành nghề phải nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghệ cao, có tính sáng tạo và kết nối nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Những công nghệ mới nổi gần đây như điện toán đám mây, in 3D, tự động hóa, thiết bị thông minh… trong lĩnh vực cơ khí nói riêng và các ngành nghề khác đang mang đến những định hướng mới không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh mà trong cả lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Để tiếp cận nhanh nhất với công nghệ 4.0, Việt Nam nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản nhưng cần thực hiện ngay, mà quan trọng nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất mới tính đến đổi mới công nghệ. Và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ để tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp, tránh đầu tư chồng chéo. Tránh tình trạng công nghệ 4.0 nhưng tay nghề và chất lượng nhân lực thì vẫn “lẹt đẹt” chỉ ở 2.0, 3.0…

Nhưng cho dù cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có tác động đến các ngành nghề như thế nào thì ở một số lĩnh vực, nghề nghiệp, con người vẫn phải vận hành và đưa ra kế hoạch. Vì thế, bản thân người lao động phải trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất.

Và để đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp ngành cơ khí phải có sự đổi mới. Thời gian qua, nhân lực ngành cơ khí có thể nói là còn yếu do xu thế công việc chủ yếu rơi vào các ngành “hot” như ngân hàng, kinh tế… mà thiếu và yếu ở các ngành mang tính kỹ thuật. Do đó, việc đổi mới phải từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường.

Cùng với đó, giữa nhà trường, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải có sự kết nối, đặt hàng để cùng chia sẻ thông tin, trách nhiệm trong việc cung ứng nhân lực cao, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA): Khả năng bắt kịp công nghệ tiên tiến khá cao

Internet vạn vật, big data, trí thông minh nhân tạo… là rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Nhưng để đưa vào hoạt động ngay là rất khó nếu thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Do vậy, doanh nghiệp có thể cải thiện ngay hiệu suất làm việc bằng chất lượng nhân viên, quản lý công việc.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ trở thành thách thức tương đối lớn. Ảnh minh họa

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp, mà cả với những nhân công có tay nghề, chất lượng cao cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng có một điều rất may mắn là cuộc cách mạng 4.0, dựa trên công nghệ thông tin, đòi hỏi sự sáng tạo, mà ở điểm này, nhân lực Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin… Do vậy, khả năng bắt kịp công nghệ tiên tiến của Việt Nam cũng khá cao.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có hành động cụ thể, chứ không chỉ kêu gọi và tạo điều kiện để thúc đẩy các doanh nghiệp sáng tạo mạnh hơn. Còn với doanh nghiệp truyền thống việc hoàn thiện mình, cải thiện năng lực sản xuất, không chỉ dựa vào nhân công giá rẻ, mà phải dựa vào nhân lực công nghệ, sáng tạo.

Tuy nhiên, nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp chỉ là một phần, còn bản thân các trường dậy nghề, đào tạo cũng phải xem xét để sửa đổi chương trình học sao cho phù hợp hơn với thị trường lao động, đáp ứng được thay đổi và đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh: Áp dụng công nghệ vào sản xuất, phục vụ khách hàng

Hiện nay, Tổng công ty đã không còn cần đến việc nhân viên thu tiền điện đến thu tại nhà mà đã tiến tới sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến, đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện, khuyến khích khách hàng thanh toán qua các kênh giao dịch điện tử, không dùng đến tiền mặt như SMS/Mobile Banking, Internet banking, ví điện tử.

Đến nay, Tổng công ty đã hợp tác với 22 ngân hàng và 8 đối tác thu hộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra Tổng công ty cũng ứng dụng điện kế điện tử có tính năng đo xa cho khoảng 10.200 khách hàng lớn và khoảng 1.100 điểm đo đầu nguồn và ranh giới nội bộ.

Theo đó, việc thu thập chỉ số hoàn toàn tự động, biểu đồ phụ tải được theo dõi trực tuyến, việc giám sát điều hành thuân lợi, linh hoạt hơn với nhiều công cụ hỗ trợ, tiết giảm được thời gian và nhân lực trong ghi chỉ số hàng tháng. 

Như vậy, đây đúng là cách mà Tổng công ty áp dụng công nghệ vào trong sản xuất, phục vụ khách hàng. Việc này sẽ làm ảnh hưởng trước mắt tới hàng trăm lao động, nhưng sẽ không có mất việc.

Các nhân viên thu tiền điện, ghi chỉ số điện sẽ được rút về để điều chuyển và đào tạo lại, đào tạo nâng cao và thành lập công ty dịch vụ điện. Công ty này sẽ làm các dịch vụ của điện như bảo dưỡng, sửa chữa hotline hay bảo trì lưới điện và mức lương, quyền lợi của người lao động vẫn sẽ đảm bảo.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh thu hút nhân lực có chất lượng tay nghề cao, sáng tạo để có thể ứng dụng nhiều công nghệ hơn nữa vào trong sản xuất kinh doanh và phục vụ khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục