Cách mạng số ngành du lịch - Bài cuối: Địa phương chủ động số hóa điểm đến

13:11' - 01/02/2022
BNEWS Ứng dụng công nghệ số trở thành điều tất yếu để ngành du lịch tìm thêm những giải pháp tiếp cận với đa dạng khách hàng, cũng như chiến lược phát triển bằng việc phát triển sản phẩm du lịch thông minh.

Trên cơ sở Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cơ quan quản lý du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của địa phương. Điểm chung của những chương trình này là đều cho thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là yếu tố sống còn cho sự phát triển của ngành.

Đồng thời, ghi nhận cụ thể và khảo sát chuyển đổi số tại một số địa phương về giải pháp, phương thức lựa chọn đối tác phối hợp, nền tảng công nghệ... thì mỗi địa phương có những nét đặc thù riêng.

*Phát triển du lịch thông minh

Nhận định du lịch phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức mới, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, một trong những vấn đề đó là số hóa và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng trong một thế giới kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trở thành điều tất yếu để ngành du lịch tìm thêm những giải pháp tiếp cận với đa dạng khách hàng, cũng như chiến lược phát triển bằng việc phát triển sản phẩm du lịch thông minh.

Đối với Việt Nam, từ khi mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, ngành du lịch đã có những bước tiến rất nhanh chóng cả về số lượng du khách và doanh thu. Ngành du lịch còn đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời là một trong những ngành kinh tế quan trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh du khách ngày nay luôn tìm kiếm những trải nghiệm chân thực, hấp dẫn và mới lạ như thanh toán di động, tương tác tự động, giao tiếp bằng giọng nói và lệnh mạng...

 

Kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam về nhu cầu và xu hướng của khách du lịch trong thời kỳ đại dịch COVID-19, có 40% người tham gia khảo sát cho biết có nhu cầu đặt tour trực tuyến và chỉ từ 12-15% vẫn đặt tour theo kiểu truyền thống qua công ty du lịch.

Điều này cho thấy, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc, giao dịch thuận tiện và nhanh hơn. Chuyển đổi số và cơ hội thị trường sẽ là động lực cho sự thành công của ngành du lịch trong tương lai, đồng thời cũng gây áp lực không nhỏ lên ngành du lịch.

Do đó, ngành du lịch Việt Nam và doanh nghiệp hoạt động trong ngành này phải nghiêm túc thực hiện chiến lược lâu dài, kịp thời nắm bắt những tiềm năng thị trường mới bắt kịp xu hướng kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn mang đến nhiều lợi ích khác nhau, tiêu chuẩn hóa nhiều hơn cho quy trình hoạt động của ngành du lịch và mang lại những cơ hội mới cho tổ chức bằng cách tái cấu trúc mô hình kinh doanh, từ đó phát triển sản phẩm và dịch vụ.

Sự chủ động, sáng tạo trong tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động, phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn và tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Khảo sát thực tế tại Việt Nam cho thấy, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch đã cho thấy sự năng động khi bước đầu xây dựng và thực hiện các đề án về chuyển đổi số trong ngành du lịch. Điển hình, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký các văn bản hợp tác với nhiều doanh nghiệp như Vietsoftpro, Tiktok, Viettel VTS và Zalo, nhằm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến với du khách trong và ngoài nước.

Còn tỉnh Thanh Hóa đã cũng đã đưa vào nghiên cứu và thử nghiệm Smart travel platform, ứng dụng sản phẩm du lịch trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và du lịch qua màn ảnh (VR 360), các tính năng hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ trong việc quản trị nội dung AR, quản trị nội dung VR 360; hỗ trợ cho nhà quản lý trong việc phân  tích số liệu hoạt động du lịch và cung cấp thông tin cho khách du lịch.

Riêng Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Hà Giang thông qua chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh; phối hợp với Google ra mắt dự án quảng bá trực tuyến "Google Arts & Culture – Kỳ quan Việt Nam".

Tương tự, Facebook đã và đang đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chương trình quảng bá du lịch trên nền tảng truyền thông như "Sức sống Việt Nam", "Tự hào Việt Nam", sản xuất clip "Bao la Việt Nam" và ra mắt fanpage cùng tên... góp phần tăng cường nhận diện hình ảnh quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trên các nền tảng số.

Đây được xem là những bước đi rất thiết thực cho quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam tại địa phương.

*Mở kênh tiếp thị số

Sự phát triển của Internet đã thúc đẩy và tạo ra cơ hội mới cho khách hàng, người sử dụng cơ hội được chia sẻ ý kiến, đánh giá và quan điểm của mỗi cá nhân; trong đó có quan điểm cá nhân về các thương hiệu.

Cũng chính vì vậy, phát triển thương hiệu luôn là trọng tâm trong hoạt động của tổ chức; trong đó phát triển thương hiệu của điểm đến du lịch là hoạt động quan trọng của quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển du lịch của doanh nghiệp, địa phương và cả quốc gia.

Theo một số chuyên gia, sự cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ lưu trú ngày càng khốc liệt, buộc doanh nghiệp phải tập trung vào các trải nghiệm tối ưu để chiếm được cảm tình và đứng vững trong tâm trí khách hàng.

Cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, du khách đã có thể có những trải nghiệm tối ưu ngay trên nền tảng trực tuyến trong quá trình lựa chọn và ra quyết định du lịch điểm đến du lịch.

Để gia tăng giá trị trải nghiệm về mặt cảm xúc, du khách có thể tham gia chuyến tham quan ảo hoặc tương tác với nhân viên trực tuyến (online) để giải đáp những thắc mắc trước khi lựa cho điểm đến, nên công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong quyết định hành vi trực tuyến của họ.

Nắm bắt xu hướng này, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đã tiên phong xây dựng thương hiệu điểm đến thông qua đa dạng kênh tiếp thị số. Cụ thể, lần đầu tiên "Ngày hội Du lịch Tp. Hồ Chí Minh" lần thứ 17 năm 2021 được tổ chức đầu tháng 12/2021 đã triển khai cả hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Theo đó, Ngày hội được tổ chức online trên các nền tảng như website Ngày hội Du lịch Tp. Hồ Chí Minh (https://ngayhoidulich.visithcmc.vn), website quảng bá Du lịch Tp. Hồ Chí Minh (www.visithcmc.vn), Sàn thương mại điện tử Shopee và Đại lý Du lịch trực tuyến Traveloka.

 

Đồng thời, Ngày hội trở thành sự kiện trọng tâm đầu tiên của ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tổ chức sự kiện du lịch, nâng cao trải nghiệm, thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 và được đánh giá là sàn giao dịch online đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực du lịch.

Thông qua đó, Ngày hội mang đến cho khách tham quan những cảm nhận chân thực và mới lạ nhất qua nền tảng online như gian hàng 3D, hội chợ - triển lãm ảo, mua sắm tour online...

Với mong muốn tăng cường hiệu quả hoạt động website quảng bá du lịch của Tp. Hồ Chí Minh trên nền tảng mạng xã hội; hỗ trợ tối ưu chuẩn SEO (Search Engine Optimization) giúp website www.visithcmc.vn tiếp cận đến đông đảo người dùng và tăng mức độ nhận diện trên Google - công cụ tìm kiếm phổ biến và nổi tiếng nhất hiện nay, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh cũng xác lập mục tiêu xây dựng một nền tảng hiện đại phục vụ riêng cho việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu du lịch thành phố.

Cụ thể, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh thúc đẩy liên kết cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, tiện ích du lịch của du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Song song đó, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Truyền thông Onicorn (Onicorn Media) đã đồng hành phát triển ứng dụng tiện ích du lịch “HoChiMinhCity Tourism”.

Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận ứng dụng “HoChiMinhCity Tourism” bằng thiết bị thông minh trên cả hai hệ điều hành Android và iOS, với nhiều tiện ích thông minh giúp tăng cường sự tương tác và cá nhân hóa trải nghiệm của du khách trong quá trình tiếp cận và tìm hiểu thông tin về điểm đến du lịch Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh cho hay, ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu năm 2022 sẽ triển khai chiến lược phát triển du lịch Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19; phát triển sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch thành phố; thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch.

Ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy tối đa lợi thế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá du lịch trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục