Cách nào để xe buýt, metro "cạnh tranh" với phương tiện cá nhân?

14:43' - 26/09/2024
BNEWS Hiện các loại hình phương tiện công cộng ghi nhận số lượng lớn người sử dụng, tới 70% là người cao tuổi.

Hà Nội liên tục đầu tư và đổi mới về mạng lưới vận tải hành khách công cộng, song sản lượng hành khách vẫn chưa được như kỳ vọng. Tại tọa đàm "Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?" do Báo Giao thông tổ chức hôm nay 26/9, nhiều giải pháp được ra để xe buýt, metro (đường sắt đô thị) cạnh tranh được với phương tiện cá nhân. 

Hà Nội hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành; trong đó, 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. 

Riêng từ năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. 

Song, các loại hình phương tiện công cộng ghi nhận số lượng lớn người sử dụng, tới 70% là người cao tuổi.

"Trong khi đó, lượng hành khách đó sử dụng không giúp giảm nhiều mật độ trong giờ cao điểm, vì người về hưu ít ra đường giờ cao điểm. Do đó, một vấn đề chúng ta chưa thấy là làm sao để tăng người sử dụng trong giờ cao điểm", chuyên gia Phan Lê Bình nói. 

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội, để phương tiện vận tải hành khách công cộng hút khách hơn, giai đoạn tới, xe buýt phải cạnh tranh được với phương tiện cá nhân ở các yếu tố. chi phí đi lại, tính an toàn (an toàn trong tiếp cận nhà ga, an toàn trong quá trình chuyển phương tiện, an toàn khi ngồi trên xe) và thái độ phục vụ.

Đại diện Công ty Đường sắt Hà Nội cho biết: Theo xu hướng phát triển tự nhiên, người dân sẽ thích sử dụng phương tiện cá nhân hơn là phương tiện công cộng. Vậy nên, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội nói chung, metro nói riêng đứng trước thách thức rất lớn.

"Với metro, chúng tôi sẽ cố gắng chuyển sang giai đoạn 3 là trở thành sự lựa chọn đi lại yêu thích của người dân không chỉ vì tính tiện lợi, thời gian, tính an toàn. Đây còn là phương tiện xanh, tiến tới phát triển bền vững, giảm tác động của phương tiện cá nhân đến môi trường", vị đại diện này cho biết thêm.

Để thu hút người dân đi xe buýt, metro, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho hay, các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ đạo phải đảm bảo mạng lưới tuyến được kết nối linh hoạt, có biện pháp điều chỉnh mạng lưới kết nối ngang giữa các ga với nhau. Về hạ tầng, tại tất cả nhà ga hiện đã được bố trí điểm dừng xe buýt ngay dưới chân nhà ga, tạo thuận lợi cho việc chuyển tiếp hành khách đi các nơi.

 

Hiện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội đang phối hợp triển khai dự án tăng cường năng lực giao thông do Ban Quản lý Công trình giao thông chủ trì, thực hiện theo mô hình điển hình về hạ tầng gồm nhà chờ, điểm dừng kết nối, đưa các phương tiện sử dụng năng lượng điện tham gia vào kết nối.

Thông tin thêm về tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội hiện chỉ vận hành đến Cầu Giấy, giai đoạn tiếp theo mới có thể vận hành toàn tuyến, theo Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, để điều chỉnh mạng lưới kết nối ngang giữa các ga với nhau, các đơn vị liên quan đã triển khai 13 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp cho tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội.

Cùng với đó, để phát huy hiệu quả tối đa công suất tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, các đơn vị đã điều chỉnh tuyến buýt 20A (xuất phát từ Cầu Giấy) thay vì điểm cuối là Nhổn như trước sẽ chuyển điểm cuối xuống Sơn Tây, các tuyến buýt phía Nam cũng thay đổi điểm cuối sang Sóc Sơn, Đông Anh, qua đó, mở rộng vùng phục vụ hành khách cho tuyến metro.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục