Cách nào tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn có chứng nhận?

12:55' - 30/09/2021
BNEWS Thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo sản xuất chăn nuôi đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Sáng 30/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp trực tuyến "Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn có chứng nhận".

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có những bước phát triển tích cực.

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông đã triển khai gần 70 dự án khuyến nông chăn nuôi, thông qua các dự án đã từng bước thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo VietGAHP và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến giết mô, chế biến, tiêu thụ tạo sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, kết quả nhân rộng các dự án chăn nuôi an toàn sinh học còn chậm, đặc biệt là các cơ sở, hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh còn chiếm tỷ lệ thấp.

Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lơn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng vẫn còn xảy ra và dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương, cơ sở chăn nuôi cần áp dụng các giải pháp tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi. Thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo sản xuất chăn nuôi đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi phải đáp ứng với các yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi như kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Các yêu cầu về con giống, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển, quản lý dịch bệnh và ghi chép thông tin trong quá trình chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi an toàn sinh là rất quan trọng. Nhưng cần làm sao để mọi người chăn nuôi đều quan  tâm và các cấp chăn nuôi khác nhau thì cần áp dụng mức độ khác nhau. Nếu chăn nuôi nông hộ mà phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như doanh nghiệp sẽ rất khó.

"Cơ quan chức năng cần biên tập lại quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đơn giản hơn, dễ học hơn, dễ quản lý hơn.  Viện Chăn nuôi nên tiếp cận với các đối tượng vật nuôi khác và có các quy trình với đặc thù với loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi", ông Nguyễn Xuân Dường cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các doanh nghiệp có áp dụng quy trình an toàn sinh học nào nên chủ động phổ cập cho người chăn nuôi ở các cấp độ. Địa phương cũng tăng cường truyền truyền, các chính sách hỗ trợ cũng nên gắn với chăn nuôi an toàn sinh học nhưng cũng phải ở cấp độ khác nhau. Địa phương cần tăng cường kiểm soát các hóa chất, chế phẩm sử dụng trong chăn nuôi an toàn sinh học. Bởi nếu người dân mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ sử dụng "hổ lốn", "đánh nhầm hơn bỏ sót" và sẽ dẫn đến tăng chi phí, gây ô nhiễm môi trường.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng, nông dân phần lớn sử dụng sai thuốc khử trùng, vì dùng theo thói quen, khuyến cáo người bán hàng nên pha, phun không đúng liều lượng. Do đó hiệu quả khử trùng mang lại không cao. Cần có hướng dẫn người chăn nuôi khử trùng đúng sẽ tiết kiệm được chi phí.

Về chứng nhận, bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, hiện trên trang web của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có danh sách các đơn vị, trung tâm được phép chứng nhận, người chăn nuôi có nhu cầu có thể liên hệ với các cơ sở này để được tư vấn kỹ thuật hoàn chỉnh để đạt chứng nhận.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, các cơ sở chăn nuôi, ngoại trừ cơ sở nhở lẻ đều có thể được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Những cơ sở có giấy chứng nhận tương đương như VietGAHP thì không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục