Cải cách để giữ đà tăng trưởng kinh tế

12:15' - 15/07/2021
BNEWS Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững...

Thúc đẩy cải cách, hướng tới phục hồi bền vững, hỗ trợ kinh doanh, nâng cao nâng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo... là những ý kiến nổi bật được nêu ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức tại Hà Nội, sáng 15/7.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020. Từ đầu năm 2021, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là đợt dịch từ cuối tháng 4 với những diễn biến khá phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Trước những diễn biến, tình huống ấy, Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine...

“Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những ý kiến tranh biện về kịch bản diễn biến giá cả và yêu cầu kiểm soát lạm phát trong những tuần vừa qua cũng phản ánh sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn”, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, một điểm sáng nữa ít được nói tới trong những tháng qua là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế. Ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững...

Cụ thể, ngay ở vòng lấy ý kiến cuối cùng trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận được những đề xuất bổ sung nhiệm vụ mới có tính chiến lược, cấp thiết, dài hạn về phát triển hạ tầng pháp lý và kỹ thuật cho nền kinh tế.

Trên thực tế, sự quyết liệt với cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Viện CIEM vinh dự đại diện Việt Nam dẫn dắt quá trình xây dựng Chương trình Nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025, được các Bộ trưởng cải cách cơ cấu của APEC thông qua vào tháng 6/2021 vừa rồi.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam khá tích cực so với các quốc gia trong khu vực song theo CIEM, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới.

Đề cập triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021, CIEM nhận định có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: khả năng kiểm soát dịch; Tiến độ giải ngân đầu tư công; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số; khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ…

“Cùng với đó, chúng ta vẫn cần thúc đẩy các cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững”, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh. /

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục