Cải cách để quản lý ngân quỹ an toàn và hiệu quả

10:36' - 08/02/2016
BNEWS Cơ quan quản lý ngân quỹ phải xây dựng và vận hành được các công cụ quản lý ngân quỹ hiện đại để tập trung và quản lý thống nhất các khoản thu, chi, tồn ngân quỹ nhà nước.

Hướng tới sự chuyên nghiệp trong quản lý ngân quỹ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Kho Bạc Nhà nước đề ra trong giai đoạn tới. Giải pháp then chốt để hoàn thành mục tiêu này chính là thực hiện “Đề án quản lý ngân quỹ”.

Phóng viênBNEWS đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước để làm rõ vấn đề trên.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước. Ảnh: vst.mof.gov.vn

BNEWS: Cải cách quản lý ngân quỹ là một trong những Đề án quan trọng thuộc Chiến lược phát triển Kho Bạc Nhà nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xin ông cho biết những nội dung chính của Đề án này.

Ông Nguyễn Hồng Hà: Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Kho Bạc Nhà nước đến năm 2020 đã đề ra 8 chương trình cải cách; trong đó, có chương trình cải cách quản lý ngân quỹ với mục tiêu đổi mới công tác quản lý ngân quỹ nhà nước trên cơ sở hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các công cụ quản lý để đảm bảo quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả; gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ Chính phủ để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và giảm chi phí vay nợ.

Nội dung chính của Đề án bao gồm xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; phát triển các công cụ quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả, bao gồm thiết lập hệ thống tài khoản thanh toán tập trung (TSA), xây dựng và triển khai quy trình dự báo luồng tiền; thiết lập hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro; xây dựng đơn vị, bộ phận chuyên về quản lý ngân quỹ và tổ chức triển khai nghiệp vụ ngân quỹ theo Nghị định quy định chế độ quản lý ngân quỹ.

BNEWS: Xin ông cho biết kết quả triển khai thực hiện Đề án cải cách quản lý ngân quỹ đến thời điểm hiện nay. Trong quá trình triển khai, Kho Bạc Nhà nước có những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Đến nay, về cơ bản Đề án đã triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình. Theo đó, về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý ngân quỹ, Kho Bạc Nhà nước đã khẩn trương xây dựng và trình Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về quản lý ngân quỹ tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (Điều 62); Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ; dự kiến sẽ ban hành trong năm 2016).

Đồng thời, Kho Bạc Nhà nước khẩn trương xây dựng để trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện Nghị định. Các văn bản pháp lý quy định về quản lý ngân quỹ sẽ có hiệu lực từ năm ngân sách 2017.

Về phát triển các công cụ quản lý, Kho Bạc Nhà nước đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và triển khai các công cụ để thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Bao gồm, xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của Kho Bạc Nhà nước  thông qua việc triển khai thanh toán song phương điện tử với hệ thống ngân hàng thương mại (nội dung này đến nay đã cơ bản hoàn thành) và thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước (đã triển khai thí điểm tại 7 đơn vị và dự kiến hoàn thành triển khai mở rộng trong năm 2016).

Cải cách để quản lý ngân quỹ an toàn và hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện nay, Kho Bạc Nhà nước  đang nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền và hệ thống kiểm soát, quản lý rủi ro.

Về tổ chức xây dựng đơn vị chuyên về quản lý ngân quỹ, song song với việc xây dựng cơ chế, chính sách, công cụ quản lý, hệ thống Kho Bạc Nhà nước  đã tiến hành hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.

Theo đó, hình thành cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước - Cục Quản lý ngân quỹ trực thuộc Kho Bạc Nhà nước  theo Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống Kho Bạc Nhà nước; đồng thời, bố trí, sắp xếp và tăng cường số lượng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.

Trong quá trình triển khai Đề án, Kho Bạc Nhà nước  cũng đứng trước nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là tạo được sự đồng thuận về tư duy và thay đổi nhận thức đối với cải cách quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

Thứ hai đó là sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý ngân quỹ như chu trình quản lý ngân sách, quản lý nợ Chính phủ và hệ thống thông tin và báo cáo tài chính,….

Cuối cùng, đó là phải xây dựng được hạ tầng truyền thông đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu thông tin trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước… Tuy vậy, trong suốt quá trình triển khai, Kho Bạc Nhà nước  đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.

BNEWS: Để quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả, Kho Bạc Nhà nước  phải xây dựng các công cụ quản lý như thế nào, thưa ông ?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Như hầu hết các nước trên thế giới đã thực hiện cải cách quản lý ngân quỹ, để quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả, cơ quan quản lý ngân quỹ phải xây dựng và vận hành được các công cụ quản lý ngân quỹ hiện đại như hệ thống tài khoản thanh toán tập trung để tập trung và quản lý thống nhất các khoản thu, chi, tồn ngân quỹ nhà nước.

Xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền để dự báo tình hình thu, chi và sự biến động số dư trên tài khoản làm cơ sở để quyết định sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi hay tiến hành vay bù đắp thiếu hụt tạm thời. Đây là những công cụ quan trọng nhất để có thể quản lý ngân quỹ chuyên nghiệp. Ngoài ra, cũng cần phải thiết lập hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân quỹ, bao gồm nhận diện và đánh giá các rủi ro và phương pháp quản lý đối với từng loại rủi ro.

BNEWS: Với những khó khăn và thách thách như trên, xin ông cho biết Kho Bạc Nhà nước  đã có những biện pháp gì để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu cải cách quản lý ngân quỹ đã đề ra ?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Xác định cải cách quản lý ngân quỹ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của hệ thống Kho Bạc Nhà nước trong tiến trình hiện đại hóa hoạt động, vì vậy, Kho Bạc Nhà nước  đã đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện.

Cụ thể đó là, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và tăng cường sự phối kết hợp của các đơn vị liên quan trong thực hiện cải cách quản lý ngân quỹ; kiên trì mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển Kho Bạc Nhà nước  với ý chí và quyết tâm cải cách cao; quán triệt đến từng cán bộ, công chức những thay đổi về quan điểm, tư duy quản lý theo phương thức và cách thức quản lý mới; tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp sát sao của Bộ Tài chính và ủng hộ, sự phối kết hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện tốt lộ trình cải cách đã đề ra.

Tiếp theo là tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và triển khai các nội dung công việc của Đề án như tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngân quỹ thông qua các hình thức tuyển dụng mới cán bộ có năng lực, trình độ từ bên ngoài; đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ này đáp ứng yêu cầu xây dựng và triển khai hoạt động quản lý ngân quỹ.

Đồng thời, ưu tiên bố trí, sắp xếp đủ nguồn lực tài chính để thực hiện Đề án; trong đó có việc xây dựng cơ chế tài chính mang tính đột phá để có thể đãi ngộ một cách hợp lý và thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ngân quỹ, chú trọng đầu tư cho hiện đại hóa công nghệ thông tin Kho Bạc Nhà nước .

Cùng với việc nâng cao hiệu quả quản trị Đề án Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; trong đó xác định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung và lộ trình triển khai; phân công nhiệm vụ thực hiện đến từng đơn vị, cá nhân có liên quan (đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp), Kho Bạc Nhà nước  sẽ định kỳ đánh giá tình hình thực hiện, đảm bảo việc thực hiện theo đúng lộ trình, định hướng, cũng như  tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự trợ giúp các tổ chức quốc tế về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để tổ chức quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu quản lý ngân quỹ an toàn hiệu quả, chúng tôi cũng cho rằng cần phải tăng cường việc thông tin tuyên truyền về những nội dung cải cách trong công tác quản lý ngân quỹ của Kho Bạc Nhà nước  trong thời gian tới đây, nhằm tạo sự đồng thuận chung của dư luận xã hội cũng như cơ quan hữu quan.

BNEWS: : Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục