Doanh nghiệp muốn cải cách kinh tế nhanh hơn

18:58' - 11/11/2015
BNEWS Nếu Việt Nam không điều chỉnh về chính sách kinh tế thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi nhiều còn các doanh nghiệp trong nước ít tận dụng được cơ hội này.
Hội thảo kinh tế Việt Nam - Triển vọng 2016. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Trong những tháng cuối năm nay và năm 2016, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi với những bước đi chậm chap nhưng chưa thay đổi về cách thức tăng trưởng, tính phục hồi chưa vững chắc.

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam - Triển vọng 2016", tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 11/11.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong Quý III, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi với mức tăng trưởng 6,8%, nhưng nhìn tổng thể cơ cấu phát triển có thể thấy tốc độ tăng trưởng của một số ngành trọng yếu đang có xu hướng sụt giảm và thâm hụt cán cân thương mại đang quay trở lại.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng thu ngân sách thấp hơn tốc độc tăng chi; tốc độ tăng chi đầu tư từ ngân sách thấp hơn tốc độ tăng chi thường xuyên. Nếu chi thường xuyên ngày càng tăng mà chi đầu tư ngày càng giảm sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng nhanh chóng, nên hiện tại nợ công đang tăng nhanh nhất là trong những năm gần đây…

Những yếu tố này, cho thấy mức tăng trưởng trên của Việt Nam chưa bền vững và dễ bị ảnh hưởng và gặp rủi ro bởi những tác động từ tình hình biến động kinh tế khu vực và thế giới.

Liên quan đến cơ chế chính sách và điều hành hoạt động ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm nay và năm 2016, điều hành hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức hơn khi Việt Nam thực hiện mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại.

Cụ thể, từ những kết quả đạt được trong điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng trong năm 2015 sẽ là tiền đề vững chắc để Việt Nam bước vào năm 2016.

Tuy nhiên, những vấn đề nội tại trong nền kinh tế Việt Nam như tình trạng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, dẫn đến thách thức trong việc vừa đảm bảo cân đối đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp vừa phát triển hoạt động ngân hàng bền vững.

Mặt khác, ngân hàng chỉ có chức năng trung gian trung chuyển vốn, nên chỉ hỗ trợ vốn ngắn hạn và không thể đáp ứng hết nhu cầu hỗ trợ vốn vay dài hạn của doanh nghiệp.

Trước những cơ hội và thách thức, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ chế chính sách và điều hành hoạt động ngân hàng năm 2016, sẽ tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghệ cao...

Chính sách tín dụng sẽ đảm bảo mở rộng nhưng gắn liền với mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp cũng như địa phương.

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nỗ lực đồng bộ các chính sách công cụ tiền tệ, tăng cường kiềm chế và kiểm soát lạm phát, khẳng định vị thế đồng VND, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, năm 2016, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng để đón đầu cơ hội từ các Hiệp định thương mại, qua đó tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không điều chỉnh về chính sách kinh tế thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi nhiều còn các doanh nghiệp trong nước ít tận dụng được cơ hội này.

Các doanh nghiệp cho rằng, thời gian tới nền kinh tế Việt Nam không chỉ cần một chính sách cải cách đủ mạnh để cải thiện môi trưởng kinh doanh và đòi hỏi tốc độ cải cách cơ chế chính sách phải nhanh hơn mới đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.

Mỹ Phương/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục