Cải cách nợ công trong Eurozone: Ưu tiên "chất" hơn "lượng"

05:30' - 20/06/2022
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) đang xúc tiến kế hoạch nhằm cải cách việc quản trị kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), bao gồm cả các quy định về nợ công.

Theo tạp chí Project Syndicate, Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 2/2020 đã thông báo cơ quan này sẽ đưa ra một kế hoạch nhằm cải cách việc quản trị kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), bao gồm cả các quy định về nợ công.

Sau một thời gian dài bị hoãn do đại dịch COVID-19, kế hoạch này đã được đề cập trở lại trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi để cho các chính phủ có thêm thời gian ứng phó với thách thức, chẳng hạn như tài trợ cho chi tiêu bảo vệ khí hậu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ quốc gia đã ở mức cao và lạm phát gia tăng, đây là lối đi sai lầm. Thay vào đó, việc điều phối chính sách tài khóa nên tập trung vào việc phân bổ lại chi tiêu công và do đó tăng chất lượng hơn là số lượng.

Vì sao không nên bãi bỏ các quy định sẵn có?

Bất kỳ cải cách nào đối với các chính sách tài khóa của Eurozone đều phải bắt đầu bằng việc xem xét các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi ở châu Âu trong những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 khiến nợ công tăng lên hơn 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Italy và 185% GDP ở Hy Lạp. Nếu tính cả khoản nợ của gói phục hồi có tên gọi "Thế hệ mới Liên minh châu Âu (EU)" thì tỷ lệ này tăng lên mức 155% với Italy và 190% với Hy Lạp.

Ngoài ra, xu hướng giá năng lượng tăng và cuộc xung đột tại Ukraine đang làm trì hoãn sự phục hồi, tiếp tục gây căng thẳng tài chính công của châu Âu. Nhiều quốc gia đang thực hiện biện pháp để giúp những người dân dễ bị tổn thương nhất đối phó với chi phí năng lượng ngày càng tăng.

Lạm phát hàng năm của Eurozone đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng Năm, phần lớn là do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, hiện cũng gần 4%. Do đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ cực kỳ mở rộng vào mùa Hè này và bắt đầu tăng lãi suất. Lãi suất trên các thị trường tài chính đã tăng từ đầu năm.

Trong bối cảnh khó khăn này, câu hỏi đặt ra là châu Âu có thể cải cách các quy định tài khóa như thế nào? Các cuộc tranh luận công khai tập trung vào mức trần 3% GDP đối với thâm hụt ngân sách hiện tại và khoảng 60% GDP đối với nợ công của một quốc gia. Một ý tưởng phổ biến là nâng giới hạn nợ công lên 90% hoặc 100% GDP, với lý do nhiều nước trong Eurozone không có cơ hội thực tế để giảm nợ xuống 60% GDP trong tương lai gần.

Các đề xuất khác bao gồm việc miễn đầu tư công liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc loại chi tiêu này ra khỏi giới hạn thâm hụt ngân sách. Nhìn chung, những người chỉ trích cho rằng các quy định này quá cứng nhắc vì đã không tính toán đầy đủ tình hình của từng quốc gia thành viên và mục đích sử dụng nợ.

Tuy nhiên, các khoản nợ và trần thâm hụt ngân sách từ lâu chỉ có ý nghĩa tượng trưng đối với việc giám sát và điều phối chính sách kinh tế vĩ mô trong Eurozone. Cốt lõi của việc quản trị kinh tế châu Âu là các cuộc đàm phán trong khuôn khổ “Học kỳ châu Âu”. Các quốc gia thành viên thường xuyên báo cáo về các kế hoạch kinh tế-chính sách của họ và sau đó Ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho từng quốc gia.

Trong khi các quy định hiện hành không quá cứng nhắc, chúng có hai điểm yếu khác. Thứ nhất, quá trình giám sát tài khóa dựa trên các quy định đã trở nên phức tạp đến mức công chúng không còn có thể hiểu. Do đó, có rất ít áp lực công khai buộc các chính phủ quốc gia phải tuân thủ.

Thứ hai, quyền ra quyết định liên quan đến chính sách kinh tế và nợ công cuối cùng thuộc về chính phủ và quốc hội các nước. Báo cáo triển khai khuôn khổ “Học kỳ châu Âu” gần đây nhất của EC vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, cho thấy chỉ một số ít các quốc gia Eurozone tuân thủ khuyến nghị của EC.

Tuy nhiên, bất chấp những thiếu sót trong các quy định về nợ công của châu Âu, việc bãi bỏ hoàn toàn chúng sẽ đồng nghĩa với việc vứt bỏ đi những thứ có giá trị. Các quy định vẫn là điểm tham khảo hữu ích cho quá trình thảo luận và điều phối các chính sách quốc gia. Việc loại bỏ chúng sẽ khuyến khích các chính phủ quan tâm ít hơn đến tính bền vững tài khóa và những cân nhắc mang tính bao trùm đối với toàn châu Âu trong các quyết định về thuế và chi tiêu.

Tái cơ cấu thông qua nâng cao chất lượng tài chính công

Việc để các nước thành viên Eurozone đạt được sự đồng thuận về định hướng cơ bản của chính sách tài khóa trong những năm tới là không dễ dàng. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một số ý kiến đồng nhất phản đối việc mở rộng phạm vi phát hành nợ của các chính phủ để giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu, số hóa và căng thẳng tại Ukraine.

Đầu tiên, các chuyên gia cho rằng lạm phát gia tăng cho thấy các nhà hoạch định chính sách tài khóa - trái ngược với những năm trước - không còn có thể dựa vào năng lực sản xuất dồi dào để hỗ trợ chi tiêu chính phủ. Những hạn chế đáng kể về nguồn cung hiện nay có nghĩa là chi tiêu công tăng lên sẽ lấn át chi tiêu tư nhân ở mức độ lớn hơn trước đây và do đó đóng góp ít hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Hai là, thời đại nới lỏng chính sách tiền tệ đã qua. Lạm phát hiện đang tăng nhanh hơn cả lãi suất danh nghĩa. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng trung ương nghiêm túc trong việc chống lạm phát, họ sẽ phải tăng lãi suất thực một cách đáng kể. Điều này sẽ khiến nợ chính phủ trở nên đắt đỏ hơn.

Việc tập trung vào giảm lạm phát cũng có nghĩa là các ngân hàng trung ương có ít cơ hội hơn để hỗ trợ các quốc gia mắc nợ cao thông qua việc mua trái phiếu chính phủ. Trong bối cảnh đó, việc thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân rằng nợ công sẽ vẫn trong tầm kiểm soát trở nên ngày càng quan trọng.

Thứ ba, phát hành thêm nợ để tài trợ cho các khoản đầu tư xanh sẽ được đón nhận hơn nếu những khoản đầu tư này mang lại doanh thu thuế cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều dự án như vậy, ví dụ như cung cấp cho các tòa nhà công cộng hệ thống sưởi mới chạy bằng điện thay vì dầu, loại bỏ dần ô tô và xe tải chạy bằng động cơ đốt trong để chuyển sang dùng xe điện và thay thế các nhà máy nhiệt điện than bằng tuabin gió, nhiều khả năng sẽ thay thế nguồn vốn hiện tại. Đây là những khoản chi quan trọng giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng vì không tạo ra tăng trưởng kinh tế và nguồn thu từ thuế, chúng không nên được tài trợ vĩnh viễn bằng nợ.

Có thể thấy, nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tài khóa Eurozone là tái cơ cấu chi tiêu bằng cách giảm hoặc ít nhất là “đóng băng” chi tiêu công có thể hữu ích nhưng không cần thiết. Quá trình tái cơ cấu thông qua nâng cao chất lượng tài chính công mới là một tiêu chí phù hợp hơn trong bối cảnh điều phối chính sách tài khóa và cần được coi trọng.

Do đó, cuộc cải cách quản trị kinh tế sắp tới của Eurozone không nên nhằm mục đích thay đổi các quy định tài khóa, mà là ở cách thức quản lý của các chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục