Cải cách thủ tục hành chính gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

11:57' - 30/05/2020
BNEWS Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 195/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Theo đó, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ động tham mưu, triển khai, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật.

Thông qua kết quả các chỉ số, công tác cải cách hành chính tnăm 2019 đã có những chuyển biến tích cực, đạt được toàn diện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công thông tin, phát triển Chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đồng thời, các thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa; việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng công khai, minh bạch và thuận tiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể.

Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính được đẩy mạnh giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức...

Những kết quả trên đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác cải cách hành chính năm 2019 và biểu dương các bộ, địa phương đã đạt kết quả cao ở những chỉ số đã công bố, đặc biệt biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 5 năm liên tiếp (2015-2019) xếp vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, kết quả đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chưa thể hiện đúng mức vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy cải cách; nhiều nơi chưa chú trọng việc trả lời kiến nghị để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.

Ngoài ra, việc công bố, công khai thủ tục hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không thực hiện đầy đủ việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn...

Đổi mới tư duy về cải cách hành chính

Bối cảnh thế giới hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam. Một mặt, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá và ứng dụng công nghệ 4.0 trong đời sống và đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã tạo nên một xã hội năng động, thông minh, phát triển.

Mặt khác, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình đó, để góp phần khôi phục kinh tế, đời sống người dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác này thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ, các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính; đổi mới tư duy, nhận thức, coi đây là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy trình xử lý công việc với thời hạn, chế tài xử lý trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật hành chính cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật nhằm phát triển đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, thể chế về quản lý công chức, viên chức, về tổ chức bộ máy gắn với việc đề ra được những tiêu chuẩn, chỉ tiêu và định hướng của cải cách thể chế trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; hoàn thành sớm mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2017-2021 trong năm 2020.

Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng FDI từ nước ngoài chảy về; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch…

Nhấn mạnh việc từng bước đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và nhân rộng Hệ thống họp e-cabinet, Hệ thống thông tin quản lý văn bản điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị, đến tháng 6/2020 hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền, nâng tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mang; góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các nhà khoa học nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, phương pháp, nội dung đánh giá Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 bảo đảm tính khoa học và khuyến khích, động viên những đơn vị yếu kém vươn lên, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; mang tính toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai cải cách hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục