Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm

17:48' - 17/11/2018
BNEWS Nỗ lực không ngừng cải cách thủ tục hành chính của Bộ Giao thông Vận tải nói chung, Cục Đăng kiểm Việt Nam nói riêng đã “dẹp bỏ” nhiều rào cản trong lĩnh vực đăng kiểm.

Nỗ lực không ngừng cải cách thủ tục hành chính của Bộ Giao thông Vận tải nói chung, Cục Đăng kiểm Việt Nam nói riêng đã “dẹp bỏ” nhiều rào cản trong lĩnh vực đăng kiểm, từ đó mở ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ông Đặng Việt Hà, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo Thông tư 42/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm (có hiệu lực từ ngày 15/10 vừa qua), hàng loạt thủ tục hành chính, trách nhiệm đối với doanh nghiệp liên quan đến đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải được bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Thông tư 42 đã sửa đổi, bổ sung 9 lĩnh vực: Kiểm định xe máy chuyên dùng, cải tạo phương tiện giao thông cơ giới, xe chở người bốn bánh, chở hàng, chở người (dạng xe điện 4 bánh, xe có kết cấu giống ô tô), xe cơ giới, xe máy nhập khẩu; sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy; tiêu chuẩn, nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường thủy...

“Việc giảm hồ sơ thủ tục đăng kiểm sẽ giúp doanh nghiệp bớt được chi phí giấy tờ, thời gian chờ đợi, di chuyển. Doanh nghiệp, người dân có thể giám sát việc thực hiện quy định mới của đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên qua việc giải quyết hồ sơ trực tuyến, thời gian nhận được kết quả đăng kiểm”, ông Đặng Việt Hà đánh giá.

Theo quy định mới, hoạt động kinh doanh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp xe tải, xe chuyên dùng, quy định mới về việc bãi bỏ thành phần hồ sơ nhập khẩu xe và rút ngắn thời gian kiểm định xe tạo thuận lợi cho kinh doanh. Ví như trong hồ sơ xe nhập khẩu khi làm thủ tục kiểm định không còn yêu cầu bộ bản sao chứng từ nhập khẩu (hóa đơn, tờ khai hàng hóa...) có xác nhận của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Ông Lê Đức Tám, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Lắp ráp vận tải Mê Kông cho biết, Thông tư mới của Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ hàng loạt mục quy định về trách nhiệm của cơ sở cải tạo so với trước đây; trong đó phải kể đến như: Không còn phải xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và theo dõi thông tin về các khách hàng mua sản phẩm; thông tin liên quan đến việc triệu hồi cho các đại lý, trạm dịch vụ và khách hàng...

Đánh giá về hàng loạt thủ tục hành chính, trách nhiệm đối với doanh nghiệp liên quan đến đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải được bãi bỏ hoặc sửa đổi, theo ông Đinh Quốc Vinh, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Đăng kiểm Việt Nam), so với trước đây, quy định mới đã bãi bỏ, cắt giảm thành phần hồ sơ đăng kiểm trong tất cả các lĩnh vực nói trên, rút ngắn thời gian cấp chứng nhận kiểm định và giảm trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Có những hồ sơ trước đây gồm 5-7 thành phần và nay giảm xuống còn 2-3 thành phần, thời gian tối đa để cấp chứng nhận kiểm định cũng giảm từ 5 ngày xuống 3-4 ngày.

“Việc thay đổi này trước hết mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trong nước hiện nay và hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu, đơn vị thiết kế cải tạo, thi công cải tạo phương tiện giao thông cơ giới giảm bớt công sức, thời gian trong công việc”, ông Đinh Quốc Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, cơ quan đăng kiểm, đăng kiểm viên sẽ chịu áp lực để đảm bảo thời gian cấp chứng nhận kiểm định, hậu kiểm chất lượng kiểm định phương tiện.

Thời gian kiểm định và cấp chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới nhập khẩu giảm từ 10 ngày (đối với xe chở người) và 5 ngày (xe cơ giới khác) xuống còn 4 ngày cũng phần nào làm các đăng kiểm viên thêm khó khăn.

Ngoài việc bãi bỏ hàng loạt thủ tục, ông Đặng Việt Hà, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (có hiệu lực từ 1/1/2019, thay thế Nghị định 63/2015/NĐ-CP) cũng cắt giảm từ 58 điều kiện kinh doanh xuống còn 12 điều kiện, đạt gần 80%.

Theo đó, nhà đầu tư được tự do thành lập mới Trung tâm đăng kiểm theo pháp luật doanh nghiệp, không phải xin phép Cục Đăng kiểm Việt Nam về địa điểm, vị trí trước khi xây dựng; lãnh đạo đơn vị đăng kiểm không nhất thiết phải là đăng kiểm viên bậc cao, không yêu cầu trình độ ngoại ngữ với đăng kiểm viên...

Các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của Trung tâm đăng kiểm được minh bạch hóa bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, theo quy định mới tại Nghị định 139 việc thành lập Trung tâm đăng kiểm không còn bị ràng buộc bởi quy hoạch, mở rộng cửa cho nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh kiểm định xe cơ giới đang lưu hành, cũng như giúp người dân có cơ hội lựa chọn kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm gần nhất, tin cậy nhất.

Đặc biệt là dịch vụ đăng kiểm sẽ có nhiều cải thiện theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề nghị cắt giảm trên 50% tổng số hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

Cùng với đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng dự thảo Thông tư ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải (thay thế Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 6/12/2016).

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT điều chỉnh lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục