Cải thiện môi trường sống của người nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long

16:31' - 21/12/2018
BNEWS Dự án nhằm xoá đói giảm nghèo đô thị thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện môi trường sống của cộng đồng nghèo.
Hẻm 51, phường Xuân Khánh, TP Cần Thơ sau khi thực hiện Dự án đã trở nên sạch, thoáng, thoát nước tốt. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020, được thực hiện trong các năm 2012 – 2018. Sau 7 năm triển khai, dự án đã giúp gần 1,2 triệu dân được hưởng lợi.

Với tổng giá trị đầu tư gần 398 triệu USD, dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng 292 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, đối ứng của Chính phủ Việt Nam 106 triệu USD. Dự án do Ban Quản lý dự án Phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) quản lý và điều phối với 6 tiểu dự án tại các thành phố Cà Mau, Cần Thơ, Cao Lãnh, Mỹ Tho, Rạch Giá và Trà Vinh trực tiếp triển khai.

Theo đó, dự án bao gồm 5 hợp phần gồm: nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1 và 2; tái định cư; thực hiện và quản lý dự án; hỗ trợ kỹ thuật để Bộ Xây dựng triển khai Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 và điều phối dự án.

Mục tiêu của dự án nhằm xoá đói giảm nghèo đô thị thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện môi trường sống của cộng đồng nghèo và thúc đẩy phương pháp lập kế hoạch nâng cấp có sự tham gia của cộng đồng.

Rạch Bạch Nha (TP Mỹ Tho) được cải tạo thành đường. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Qua 7 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, trong đó hầu hết các chỉ số vượt kết quả dự kiến. Tổng số người được hưởng lợi từ dự án là hơn 1,153 triệu người; trong đó, có 566 nghìn người hưởng lợi trực tiếp và 587 nghìn người hưởng lợi gián tiếp.

Đặc biệt, trong số này có 305.000 người thuộc các khu thu nhập thấp (LIA) được tiếp cận các dịch vụ hạ tầng thuộc Hợp phần 1, tương đương 220% kế hoạch; 261.000 người hưởng lợi trực tiếp từ hợp phần 2 và 3.

Điều dễ nhận thấy khi tiếp cận thực tế là thành quả từ việc nâng cấp hơn 240 km đường và 374 km cống thoát nước trong các khu LIA. Sau khi cải tạo, hẻm đã trở nên khang trang, sạch sẽ, giao thông thuận lợi. Một số hẻm hẻm cụt sau khi nâng cấp đã được kết nối giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Ông Ngô Văn Mười, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ hài lòng khoe, từ ngày làm đường tới nay, người dân đi lại thuận lợi, có đèn điện thắp sáng chứ không tối tù mù như trước kia...Giao thông tiện lợi giúp người dân vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn và giảm bớt được thời gian đi lại do sử dụng phương tiện cơ giới đa dạng; không phải đi đường vòng, giảm thiểu đáng kể các rủi ro giao thông.

Cùng đó, hệ thống mương, rạch được ngầm hóa vừa giảm ô nhiễm trường, chống sạt lở, vừa tạo các đường giao thông, không gian đô thị mới. Một số cây cầu qua sông được đầu tư xây dựng, vừa tăng cường năng lực kết nối giao thông, vừa tạo cảnh quan đô thị. Từ khi nâng cấp đồng bộ khu LIA, vấn đề thu gom rác đã cải thiện nhiều. Dự án đã tác động nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.

Công viên Hùng Vương (TP Cần Thơ) trước đây là bến xe khách Cần Thơ. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án cũng đã đầu tư xây mới, cải tạo nhiều công trình xã hội như trường học, trạm y tế…, làm thay đổi chất lượng các dịch vụ xã hội thiết yếu.

Đáng chú ý, tại hợp phần 3, dự án đã đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân 6 thành phố với 3.774 lô đất nền cùng các dịch vụ mới và cung cấp cho 3.141 lô đất cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án.

Các khu tái định cư này đều được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển các đô thị, một mặt giải tỏa được các khu ổ chuột, nhức nhối về môi trường và phức tạp về an toàn, trật tự xã hội, mặt khác tạo ra không gian đô thị mới, các khu phố hiện đại. Giá trị bất động sản các khu này gia tăng, đem lại nguồn thu cho địa phương.

Qua khảo sát cho thấy, tất cả các hộ dân đã thực hiện tái định cư tập trung đều rất hài lòng với điều kiện cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới, như điện, nước sinh hoạt, đường đi, cảnh quan môi trường xung quanh, hài lòng về việc dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hành chính công... Tất cả các điều kiện sinh hoạt này đều được đánh giá là tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều.

Theo bà Hoàng Thị Hoa, đại diện WB Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long được cho là bị ảnh hưởng nhiều của biến đối khí hậu. Dự án đã hòa cùng với sự phát triển đô thị khu vực này để giúp nhiều thành phố phát triển xanh, bền vững hơn, là nơi đáng sống hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các đô thị, dự án đặc biệt chú trọng tới nguyên tắc kết nối. Các công trình đường cấp 1-2 đã kết nối với các trục đường chính khu vực hành lang phát triển kinh tế và hệ thống giao thông chiến lược của thành phố và tỉnh. Hệ thống cống hộp, kè không chỉ tạo ra các tuyến giao thông mới mà còn kiểm soát căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai ven sông, kênh rạch… Diện mạo các đô thị nhờ đó cũng sạch, đẹp, khang trang hơn.

Ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, là thành phố trẻ nên trước đây một số tuyến đường, khu vực của Cao Lãnh chưa có điều kiện cải tạo. Nhờ có hỗ trợ của dự án mà Cao Lãnh đã cải tạo thành những khu vực đô thị sạch, đẹp, phát triển bền vững. Bộ mặt đô thị nhờ đó được cải thiện rõ rệt.

Với cách tiếp cận hợp lý, phát huy sự tham gia của người dân và tính tự chủ, linh hoạt trong quản lý nên dự án đã nhận được sự đánh giá cao của chính quyền các cấp và của người dân. Hiện có 97,7% người hưởng lợi trong LIA hài lòng về dự án.

Bộ Xây dựng khẳng định, dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân, đặc biệt là nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Thông qua đó, tạo ra các không gian phát triển kinh tế - xã hội mới, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo các thành phố trong khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục