Cải tiến năng suất chất lượng của doanh nghiệp ngành công thương

11:34' - 21/12/2020
BNEWS Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Vòng chung kết cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành công thương năm 2020” do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức.
Đây là một trong những hoạt động của nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các kết quả triển khai hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng của ngành công thương mà Bộ Công Thương giao cho Tạp chí Công Thương thực hiện.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực đóng góp của các nhóm cải tiến năng suất chất lượng, thúc đẩy các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp, áp dụng các giải pháp cải tiến góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành công thương.

Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành công thương năm 2020” lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn trên toàn quốc là một trong những hoạt động truyền thông thuộc Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Dự án được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2020 với 5 nhiệm vụ chính gồm phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.
Theo ông Trần Việt Hoà, thời gian qua, một trong những hướng ưu tiên trọng tâm của Bộ Công Thương là hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng thông qua các hoạt động của dự án.
Không dừng lại ở những mô hình điểm cũng như các hiệu quả về nâng cao năng suất, chất lượng mà dự án đã góp phần nâng cao năng lực tự thực hiện các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp.
Qua đó đã gắn kết, tác động lan tỏa tích cực tới yêu cầu và triển khai đổi mới công nghệ, thiết bị tại doanh nghiệp, từ đó góp phần giúp các doanh nghiệp chủ động phát triển.
Hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Chương trình được xây dựng đặt trong bối cảnh phát triển và các yêu cầu mới của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Vì vậy, thông qua Cuộc thi này, Bộ Công Thương sẽ có những thêm đánh giá, giúp cho việc xây dựng và thực hiện trong giai đoạn mới thiết thực, hiệu quả hơn.
Bà Đặng Thị Ngọc Thu-Tổng biên tập Tạp chí Công Thương chia sẻ, cuộc thi được tổ chức thành 2 vòng chấm thi. Vòng sơ khảo lựa chọn chấm điểm trên hồ sơ của 36 Nhóm cải tiến năng suất chất lượng, đã được Ban tổ chức chấm điểm dựa trên hồ sơ dư thi vào cuối tháng 11 năm 2020.

Hội đồng Giám khảo và Ban Kỹ thuật đã chấm trực tiếp trên các Báo cáo Dự án cải tiến năng suất chất lượng của các nhóm cải tiến gửi về. Kết quả vòng sơ khảo đã chọn ra 12 nhóm cải tiến năng suất chất lượng có số điểm cao nhất vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, mỗi nhóm cải tiến năng suất chất lượng có 1 phút giới thiệu về nhóm mình qua phần trình chiếu video clip. Tiếp đến các nhóm cải tiến trình bày trực tiếp, mô tả về cách thức triển khai và hiệu quả hoạt động của dự án. Cuối cùng, các nhóm cải tiến trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo. Hội đồng giám khảo chấm điểm trực tiếp tại vòng thi.
Hội đồng Giám khảo và Ban Kỹ thuật căn cứ vào số điểm của vòng sơ khảo và vòng chung kết để chọn ra, trao giải cho 12 nhóm cải tiến năng suất chất lượng có số điểm cao nhất, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 6 giải khuyến khích và chuyên đề.
Theo đánh giá của các chuyên gia năng suất chất lượng, đây là cơ hội để các nhóm cải tiến năng suất chất lượng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trình bày các giải pháp và kết quả của quá trình thực hiện dự án cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp.

Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, thúc đẩy tuyên truyền, nhân rộng việc áp dụng giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại các ngành và doanh nghiệp ngành công thương trong giai đoạn tiếp theo.
Trong khuôn khổ chương trình có hoạt động trưng bày thành tựu kết quả thực hiện Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm ngành công thương và trưng bày giải pháp cải tiến năng suất chất lượng của các mô hình điểm.
Khu vực trưng bày đã khái quát được những dấu ấn của dự án trong gần 10 năm qua. Thông qua các giải pháp, mô hình được sơ đồ hóa, người xem có cái nhìn bao quát hơn về hiệu quả áp dụng cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền. 
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng thực hiện hoạt động tham qua thực tế hoạt động ứng dụng cải tiến năng suất và chất lượng tại một số doanh nghiệp điển hình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục