Cầm cự trong khó khăn, ngành xi măng kỳ vọng tăng tiêu thụ

16:44' - 02/05/2024
BNEWS Ngành xi măng được dự báo vẫn chịu nhiều khó khăn từ việc nhu cầu trong nước khó có thể tăng cao, nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu và cùng đó, xuất khẩu cũng phải cạnh tranh khốc liệt.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), giai đoạn này, ngành xi măng vẫn phải chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Bên cạnh đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023...

 

Tiến sỹ Lương Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ rõ: Yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Ngành xi măng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị. Do đó, tiêu thụ xi măng kỳ vọng được cải thiện trong quý II/2024.

Hiện sản lượng xi măng trong nước sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60 - 62 triệu tấn nên kênh xuất khẩu vẫn được các doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm giải quyết được sản lượng khoảng 30 triệu tấn.

Tuy nhiên, bài toán xuất khẩu cũng rất nan giải. Bởi VNCA dự báo, xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam trong năm nay vẫn tiếp tục gặp khó. Bởi nơi nhập khẩu lớn nhất trong những năm gần đây là Trung Quốc những thị trường bất động sản nước này cũng chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, ngày chính xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi… - VNCA cảnh báo.

Ngoài ra, một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại. Điển hình như Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.

Hơn nữa, châu Âu cũng là thị trường khó tính với việc thực hiện cơ chế giảm phát thải carbon. Việc mở rộng thị trường là cần thiết dù sản lượng chưa nhiều, nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên cũng có tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ - thị trường có tiêu chuẩn cao và khó tính.

Trước thực tế khó khăn bửa vây này, VNCA cho rằng, các bộ ngành cần có giải pháp tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa. Mới đây, VNCA đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng vượt qua giai đoạn này. Đồng thời kiến nghị với các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ có giải pháp hỗ trợ ngành xi măng, các doanh nghiệp sản xuất xi măng để tăng lượng tiêu thụ.

Phân tích của VNCA cho thấy, tại các nước mới phát triển từ nước nghèo, chậm phát triển khi thu nhập GDP bình quân đầu người hàng năm đạt khoảng trên 4.000 USD thì nhu cầu xi măng đạt trên 1000 kg/người/năm. Mức tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ đạt chưa đến 650 kg/người/năm.

Để tăng tiêu thụ xi măng nội địa, phù hợp với sức của nền kinh tế hiện tại và nhu cầu khách quan về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà ở, nhà ở xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, VNCA đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng xem xét phương án xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp.

Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua. Đồng thời, VNCA kiến nghị đẩy mạnh triển khai xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, VNCA kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Còn trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, VNCA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tiếp theo là 5% và được khấu trừ VAT.

Cùng đó, VNCA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp xi măng; ưu tiên doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.

Thêm một giải pháp được VNCA đề xuất là Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy xi măng; ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất.

Đồng thời, VNCA mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất khẩu, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam, tránh rủi ro phát sinh từ các nước nhập khẩu…

Dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước sẽ khó đạt được mức tăng trưởng cao, trong khi nguồn cung lại vượt xa cầu. Nhiều dây chuyền xi măng mới tiếp tục được đưa vào sản xuất dẫn tới cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và xuất khẩu...

Trước thực trạng này, việc cần thiết hiện nay là duy trì hoạt động của các dây chuyền sản xuất, tránh tồn kho, lãng phí, bảo đảm hiệu quả. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất của các nhà máy xi măng trong giai đoạn tới.

Ngay như doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng dự báo mức tiêu thụ nội địa khó có sự tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng khác cũng đang mong chờ dấu hiệu phục hồi của hoạt động xây dựng để cải thiện sản lượng xi măng bán ra, giảm bớt khó khăn so với giai đoạn trước đó. Nhất là khi các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành cùng nhiều dự án đường cao tốc tại khu vực miền Trung và miền Nam đang được khẩn trương thúc đẩy mang lại kỳ vọng thúc đẩy số lượng tiêu thụ trong năm 2024.

Để khắc phục căn bản chênh lệch cung - cầu xi măng, cần có giải pháp mang tầm nhìn dài hạn. Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: Sản xuất xi măng gắn liền với tài nguyên khoáng sản; trong đó có đá vôi, là nguồn tài nguyên không tái tạo. Do vậy, việc xây dựng các nhà máy xi măng đi kèm với xác định các mỏ khoáng sản và quy hoạch các loại khoáng sản, tài nguyên liên quan.

“Cần dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng với tầm nhìn 10 năm, 20 năm làm căn cứ xác định quy mô sản xuất, giúp cân đối phù hợp giữa cung và cầu. Ngoài ra, để tiết kiệm tài nguyên, có thể tận dụng phế liệu của các ngành công nghiệp khác như xỉ, tro bay của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng” – ông Cung phân tích.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục