Cần gần 1.000 tỷ đồng để sửa đường hỏng do mưa lũ

09:12' - 10/08/2015
BNEWS Ngày 7/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường cho biết mưa kéo dài đã gây thiệt hại lớn trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng và Hải Dương.

Ngày 7/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, mưa kéo dài đã gây thiệt hại lớn trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng và Hải Dương; trong đó thiệt hại nặng nề nhất là hai tỉnh Quảng Ninh và Điện Biên. Hiện Tổng cục đã có báo cáo tình hình ảnh hưởng của mưa lũ gây ra đối với hệ thống giao thông đường bộ tính từ ngày 25/7 đến ngày 6/8. 

Sạt lở trên dốc Bó Mạ Quốc lộ 6B Sơn La-Quỳnh Nhai (Ảnh: Điêu Chính Tới/TTXVN)

Theo đó, thống kê về thiệt hại các tuyến đường, quốc lộ do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, số tiền cần có để khắc phục, sửa chữa bước đầu dự tính lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng hệ thống các quốc lộ tại các địa phương này cần 162 tỷ đồng, còn lại hơn 800 tỷ là số tiền dành cho việc khắc phục, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ của các địa phương bị ảnh hưởng. 

Thiệt hại mưa lũ tính đến 8 giờ ngày 7/8 đã gây thiệt hại đến công trình giao thông trên các tuyến đường quốc lộ và đường địa phương. Về kinh phí sửa chữa các quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ cân đối kinh phí phòng chống lụt bão năm 2015, hiện có khoảng 300 tỷ đồng. Nếu thiếu sẽ xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải vay tạm nguồn kinh phí bảo trì của năm 2016 để sửa chữa các điểm hư hỏng khẩn cấp.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (đơn vị được giao phục trách các tỉnh khu vực phía Bắc) cho rằng,nhờ xây dựng các phương án dự phòng mà các sự cố được xử lý rất nhanh. Chẳng hạn như Đèo Ma Thì Hồ nhờ tập kết máy móc, ký hợp đồng nguyên tắc đối với một số đơn vị trên địa bàn từ trước nên khi có sự cố xảy ra thời gian khắc phục rất nhanh hay sự cố trên Quốc lộ 4H, mặc dù đứt 2/3 đường và có những đoạn sạt lở khối lượng rất lớn nhưng chỉ trong mấy tiếng đã thông xe…. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các lực lượng địa phương cũng rất tốt để kịp thời phân làn, cắm biểu báo, cộc tiêu những nơi có sự cố xảy ra. 

Về kế hoạch sửa chữa các tuyến giao thông bị hư hỏng, Phó cục trưởng Nguyễn Xuân Lâm cho hay, những điểm khẩn cấp, có nguy cơ mất an toàn giao thông cao sẽ đề nghị chỉ định thầu để sửa chữa ngay, còn các điểm chưa khẩn cấp thì sẽ tuân thủ các bước trong xây dựng cơ bản./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục