Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng hồ tiêu bị vướng nợ ngân hàng

16:26' - 14/05/2018
BNEWS Theo kết quả rà soát của các ngân hàng, trong số 1.400 tỷ đồng dư nợ vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh, có 510 tỷ đồng dư nợ bị thiệt hại do hồ tiêu chết với gần 1.300 khách hàng.

Trước tình hình cây hồ tiêu chết hàng loạt những năm gần đây, nhiều hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đặc biệt là huyện Chư Pưh đã nợ ngân hàng và không có khả năng chi trả, hàng trăm hộ dân phải bỏ xứ đi làm thuê trả nợ.

Bỏ xứ đi làm thuê trả nợ ngân hàng

Theo kết quả rà soát của các ngân hàng, trong số 1.400 tỷ đồng dư nợ vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh, có 510 tỷ đồng dư nợ bị thiệt hại do hồ tiêu chết với gần 1.300 khách hàng. Mặc dù, chính quyền các cấp và ngân hàng nhà nước tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn có hồ tiêu chết vẫn chưa có động thái tháo gỡ khó khăn cho bà con.

Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết năm 2017, toàn xã có gần 1.000 người trong độ tuổi lao động đăng ký với chính quyền đi làm ăn xa. Số người dưới và trên độ tuổi lao động rời khỏi địa phương cũng khá nhiều. Tuy nhiên không có đăng ký nên người dân đi tự phát không thống kê được số lượng. Nguyên nhân số lượng người dân rời khỏi địa phương tăng cao như vậy là do thời gian vừa rồi diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã chết hàng loạt khiến người dân lâm vào cảnh nợ nần, không còn điều kiện phát triển sản xuất.

 Nhiều căn nhà để biển bán liên tiếp nhau trên địa bàn xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh vì chủ hộ lâm cảnh nợ nần sau khi hồ tiêu chết hàng loạt. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Mai Liệu, sinh năm 1936, thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết, gia đình ông có 9 người con đều đang trong tình trạng nợ xấu ngân hàng. Với diện tích khoảng 15 ha hồ tiêu chết, những hộ này đang nợ ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng; trong đó, có 2 hộ phải bán nhà, bán đất trả bớt nợ ngân hàng rồi đưa con cái đi nơi khác làm ăn vì có ở lại cũng không biết lấy gì tái đầu tư sản xuất cũng như sinh hoạt hằng ngày.

7 hộ còn lại, tuy không bán nhà, bán đất nhưng 15 đứa cháu ông Liệu phải nghỉ học từ lớp 8, lớp 9 đi Đắk Lắk, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền giúp cha mẹ trả nợ. Hiện, ông Liệu mong muốn được nhà nước quan tâm, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để con cháu ông có thể trở về địa phương khôi phục sản xuất.

Trước tình trạng khó khăn không có tiền trả nợ ngân hàng, cũng không thể rời địa phương đi làm thuê như người khác, nhiều hộ dân đã phải đào trụ gỗ trồng tiêu lên để bán, lấy tiền trả bớt ngân hàng. Khi mua, mỗi trụ trồng hồ tiêu có giá 250.000 đồng/trụ, nay bán với giá 50.000 - 70.000 đồng/trụ.

Thậm chí, thời gian gần đây còn có nhiều hộ dân đào gốc lấy rễ tiêu bán, gây nguy cơ lây lan mầm bệnh cho các loại cây trồng khác. Đặc biệt, trên các tuyến đường chính của xã Ia Blứ, nhiều hộ dân treo biển bán nhà, bán đất khiến khung cảnh dân cư địa phương càng thêm đìu hiu.

Ông Võ Trọng Tài, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết, từ năm 2015 đến nay, có nhiều trường hợp học sinh nghỉ học với lý do theo cha mẹ đi làm ăn xa. Cũng có nhiều trường hợp học sinh nghỉ học để làm kinh tế hỗ trợ cha mẹ trả nợ ngân hàng vì đó là tình hình khó khăn chung của người dân trong xã.

Không chỉ người dân trồng hồ tiêu mới bị lâm vào cảnh nợ nần mà những gia đình thu mua nông sản, khâu trung gian cho người dân ứng tiền sản xuất cũng vướng nợ ngân hàng. Giờ đây, khi người dân rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả ngân hàng, các hộ trung gian cũng vì tình làng nghĩa xóm nên không thể siết nợ và chính họ cũng phải vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho hay, gia đình chị thu mua nông sản tại địa phương, trước tình hình tiêu chết, riêng xã Ia Blứ có khoảng 70 hộ dân mất khả năng trả nợ cho gia đình chị với số tiền trên 3 tỷ đồng. Vì tình làng nghĩa xóm, gia đình chị không thể siết nợ nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng hằng tháng. Gia đình rất mong phía ngân hàng có giải pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ để gia đình chị có thời gian xoay sở.

Cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn

Theo báo cáo, dự tính tình hình sâu bệnh thiệt hại hàng năm của cơ quan chuyên môn, từ năm 2015-2017, diện tích hồ tiêu chết do bệnh, già cỗi và hạn không thể phục hồi được nông dân huyện Chư Pưh phá bỏ là 870 ha. Nguyên nhân cây hồ tiêu bị chết là do những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm nhiều vườn tiêu không có che bóng hoặc che bóng ít ảnh hưởng đến sinh trưởng, suy giảm năng suất kết hợp nấm bệnh, tuyến trùng tấn công không thể phục hồi được…

Ngoài ra, diện tích hồ tiêu phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, mang tính tự phát; nguồn giống hồ tiêu đưa vào sản xuất không đảm bảo; nông dân trồng tiêu chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, khai thác với năng suất cao, thiếu bền vững; hạn hán, không có nước tưới là một trong số nguyên nhân khác khiến tình trạng tiêu chết hàng loạt thời gian qua trên địa bàn huyện Chư Pưh.

Trước đó, chính quyền huyện Chư Pưh đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Gia Lai để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. Ngay sau đó, ngân hàng đã có công văn số 73/GLA-THNS&KSNB ngày 19/1/2018 chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổng hợp tình hình thiêt hại của khách hàng vay vốn có diện tích hồ tiêu bị chết để tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, đến nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn chưa có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương để xác định diện tích tiêu chết, có vay vốn ngân hàng để triển khai nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Gia Lai.

 Ông Mai Liệu, sinh năm 1936, thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư kể về hoàn cảnh con cháu phải đi làm ăn xa để có tiền trả nợ ngân hàng sau khi bị thua lỗ vì hồ tiêu chết hàng loạt mấy năm gần đây. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng tiêu, ông Phan Đức Ngọc, Chánh văn phòng UBND huyện Chư Pưh, cho biết, UBND huyện Chư Pưh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho người dân vay mới để khôi phục sản xuất, triển khai những cơ chế hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ổn định đời sống.

Ngoài ra, chính quyền huyện Chư Pưh còn triển khai các chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống hồ tiêu từ 19 cây hồ tiêu đầu dòng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh công nhận cuối năm 2017, lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh để cung ứng sản xuất; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất liên kết với nông dân để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững. Xây dựng quy trình canh tác xen canh cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, cây dược liệu phù hợp để khuyến cáo nông dân áp dụng./.

>>> Gia Lai cảnh báo tình trạng thu mua rễ cây hồ tiêu ngay tại vùng dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục