Cần làm gì để phòng ngừa tái dương tính sau khi vừa khỏi COVID-19?

14:30' - 02/03/2022
BNEWS Người từng dương tính với COVID-19 và khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm nhiều lần. Thực tế đã có khá nhiều người rơi vào tình trạng này do tâm lý chủ quan "bị rồi sẽ không bị nữa".

Tái nhiễm virus gây bệnh COVID-19 có nghĩa là một người đã bị nhiễm, khỏi bệnh và sau đó bị nhiễm lại. Sau khi khỏi COVID-19, hầu hết các cá nhân sẽ có một số biện pháp bảo vệ khỏi bị tái nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm vẫn xảy ra sau khi mắc COVID-19.

 

Người đã từng mắc COVID-19 có khả năng mắc lần 2 ngày sau đó không?

Các chuyên gia y tế cho biết, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau.

Dù vậy, bác sĩ Khanh cho rằng mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.

“Với những người chưa tiêm vaccine, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng”, bác sĩ Khanh cho hay.

Ngoài lý do về lượng kháng thể sinh ra sau khi khỏi bệnh không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể, thì việc xuất hiện thêm các biến chủng mới nguy hiểm hơn cũng được xem là nguyên nhân cho tình trạng tái dương tính đối với bệnh nhân COVID-19.

Thời gian qua, nhiều biến thể đáng lo ngại như biến thể Alpha (B.1.1.7), biến thể Beta (B.1.315), biến thể Gamma (P.1), biến thể Delta (B.1.617.2) và mới đây nhất là biến thể Omicron (B.1.1.529) được phát hiện.

Các chủng này đều có khả năng lây lan nhanh chóng với các virus đột biến nguy hiểm. Vì thế, khả năng mắc một chủng khác đối với những người từng nhiễm COVID-19 là hoàn toàn có thể.

Cần làm gì để phòng ngừa nhiễm bệnh COVID-19?

  • Tiêm vaccine phòng COVID-19 càng sớm càng tốt. Tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên đều nên tiêm nhắc khi đủ điều kiện. Hiện nay đã có thông tin tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, cha mẹ nên cập nhật tin tức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mới nhất để có kế hoạch cho con đi tiêm phòng ngừa bệnh.
  • Đeo khẩu trang vừa khớp che mũi và miệng liên tục và đúng cách giúp bảo vệ bản thân quý vị và người khác.
  • Giữ khoảng cách với người khác.
  • Tránh đám đông và những không gian trong nhà bị thông gió kém.
  • Biết thời điểm đi xét nghiệm để biết rõ tình hình nhiễm bệnh và ngăn ngừa lây lan cho người khác.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, rồi lau tay thật khô. Dùng dung dịch sát trùng tay chứa ít nhất 60% cồn nếu không có sẵn xà phòng và nước.

Tuy hầu hết bệnh nhân tái nhiễm đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có khả năng lây cho người khác.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người đã nhiễm COVID-19 vẫn phải tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ bởi tiêm vaccine không chỉ để bảo vệ một cá nhân nào đó mà là bảo vệ cả cộng đồng.

Việc tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng cần có sự tham gia của những người từng nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, những người đã từng mắc SARS-CoV-2 vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… để ngăn chặn COVID-19 lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi có độ bao phủ vắc xin thấp hơn trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục