Cần làm gì để thu hút FDI trong bối cảnh lạm phát?

09:17' - 01/10/2022
BNEWS Để trở thành điểm đến cho các quốc gia mở rộng đầu tư, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có sự cải thiện các tồn tại về môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và những biến động khó lường của thế giới. Trong bối cảnh khó khăn hậu COVID-19, lạm phát nguy cơ lan rộng toàn cầu, để trở thành điểm đến cho các quốc gia mở rộng đầu tư, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có sự cải thiện các tồn tại về môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động...

Điểm đến các quốc gia muốn mở rộng đầu tư

Cục Đầu tư nước ngoài -Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, vốn giải ngân tăng 16,2%, đạt 15,4 tỷ USD. Cục này nhận định “Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Theo một cuộc khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine COVID…) ở mức trung bình và cao.

Cùng với đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động… "Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, sau hơn hai năm xảy ra đại dịch, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp phải nhiều thách thức về địa chính trị rất lớn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và đã giảm xuống còn có 49% trong nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên, trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng hơn 59% vào năm 2021 và tăng hơn 45% năm 2022. Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN.

Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cũng thể hiện, Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Hoa Kỳ.

Đón các dự án đầu tư

Ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam nên tập trung ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; dự án có tính lan toả, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với đó, Việt Nam tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động… để đón các dự án đầu tư; nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công - tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp FDI cần tiếp tục phát huy vai trò là "cầu nối" giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; đồng thời, tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận định, Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và đang được thế giới quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp FDI, ông Kim Young Chul cũng kiến nghị, Việt Nam cần có nội dung phòng, chống "chảy máu chất xám" đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh để chống "cháy máu chất xám".

"Việt Nam nên có chính sách thị thực cởi mở hơn để trở thành một cường quốc du lịch toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn; hoạch định cơ sở hạ tầng ngắn hạn và dài hạn bao gồm hệ thống điện, đường, cầu, cống  được cải thiện để hỗ trợ các dự án công nghệ cao...", ông Kim Young Chul đề nghị.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) đề cập tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam giảm thời hạn xin cấp Giấy phép kinh doanh, thủ tục và thời gian xin cấp Giấy phép kinh doanh tránh gây ra nhiều phiền phức và lãng phí thời gian cho doanh nghiệp.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Các khoản đầu tư nước ngoài mà Việt Nam nhận được là một minh chứng cho thấy thương hiệu của Việt Nam rất uy tín. Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam và là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

Tuy nhiên ông Tim Evans kiến nghị Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước những cam kết gắn bó lâu dài của nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

"Với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục