Cần làm gì và báo cho ai khi thấy trẻ em bị bạo hành?

16:24' - 29/12/2021
BNEWS Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

 

Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp của nam giới và củng cố nam tính. Hành vi như vậy bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy.

Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.

Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ.

Đại dịch COVID-19 gây ra tổn thất nặng nề trên toàn thế giới. Những nỗ lực ngăn chặn virus corona hết sức quan trọng tới sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới, tuy nhiên cũng khiến cho trẻ em và phụ nữ gia tăng nguy cơ bị bạo lực, như ngược đãi, bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục.

Một số báo cáo gần đây từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho thấy hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch khác, đi kèm với áp lực kinh tế và xã hội tăng lên đối với các gia đình đang dẫn đến bạo lực tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%.

Giải cứu những đứa trẻ khỏi nạn bạo hành

– Phụ huynh nên quan tâm đến con mình nhiều hơn. Hãy cố trò chuyện với con hoặc trở thành bạn của chúng. Cha mẹ nên có niềm tin dành cho con, tìm hiểu cặn kẽ khi có nghi vấn thay vì luôn mắng và đổ lỗi cho chúng. Đôi khi chính sự thờ ơ của cha mẹ đang tiếp tay cho kẻ xấu gây hại con mình.

– Cha mẹ cũng phải tự nâng cao ý thức của mình. Không nên sử dụng bạo lực và có quan niệm sai lệch “con của mình mình có quyền đánh”. Những hành động bạo lực vô tội vạ chẳng những gây ra tổn thương tinh thần cho con, nó còn khiến chúng có khuynh hướng bạo lực hơn.

– Cha mẹ nên giáo dục trẻ về nạn bạo hành để trẻ có thể nhận biết mình là nạn nhân hay không, đồng thời biết cách cầu cứu thay vì im lặng chịu đựng.

– Khi phát hiện (hoặc nghi ngờ) trẻ bị bạo hành, nên gọi cho đường dây nóng 111 để báo án, đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra, cách ly trẻ với đối tượng gây bạo hành càng sớm càng tốt. Trẻ nên được ở trong môi trường an toàn để phục hồi hoàn toàn. Càng trì hoãn và phớt lờ vấn đề, hậu quả càng tồi tệ, có khi các bậc phụ huynh phải trả giá bằng chính mạng sống của đứa trẻ.

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc có thông tin về trẻ bị bạo lực, xâm hại đều phải thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho 4 đầu mối gồm: UBND, công an cấp xã, đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em (111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69) và cơ quan lao động - thương binh & xã hội các cấp.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục