Cần làm rõ trách nhiệm của chủ rừng nếu bị mất rừng

18:35' - 27/10/2017
BNEWS Ngày 27/10, Liên minh đất rừng tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi”.
 Tình trạng phá rừng tại tiểu khu 267 thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc sáng 12/7/2017. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Nhằm tiếp tục góp ý kiến, ngày 27/10, Liên minh đất rừng (FORLAND) tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi”.

Trước tình trạng mất rừng như vừa qua, theo ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa phát triển, Liên minh đất rừng (FORLAND) cho rằng, về giao đất, giao rừng cần sự tham gia quyết liệt của người dân địa phương và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước trong chuyển đổi rừng tự nhiên, giao đất giao rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Cần làm rõ trách nhiệm của chủ rừng nếu bị mất rừng, trách nhiệm của kiểm lâm khi bị mất rừng. Nếu không quy định rõ thì rừng sẽ tiếp tục bị mất và không biết quy trách nhiệm cho ai.

Cùng với đó là có chính sách khuyến khích người dân trong bảo vệ rừng, hệ sinh thái rừng. Thực tiễn đã có nhiều người dân tự bỏ tiền ra bảo vệ rừng tự nhiên nhưng không được hưởng chính sách này. Cần có chính sách động viên, khuyến khích họ. như vậy đối với những người tự bỏ tiền, công sức ra đầu tư từ rừng nghèo cần có quyền hưởng lợi sự phục hồi đó.

Ông Ngô Văn Hồng cho rằng, cần làm rõ hơn trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm của kiểm lâm khi bị mất rừng. Bên cạnh đó, nên tách bạch trách nhiệm của kiểm lâm là theo dõi giám sát, chấp hành với quản lý bảo vệ rừng.

Hiện nay, chủ rừng, người dân cũng tham gia bảo vệ rừng. Kiểm lâm đóng vai trò như cảnh sát rừng để theo dõi việc thực hiện luật, theo dõi các chủ rừng quản lý bảo vệ rừng như thế nào. Tránh việc giao kiểm lâm vừa theo dõi thực thi luật, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Như vậy “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại Hội thảo "Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo GS Đặng Hùng Võ, trong 3 yếu tố của quản trị tốt là công khai minh, minh bạch; sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình thì Điều 3 của dự thảo luật về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp thiếu trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại khoảng trống về sở hữu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng trồng. Điều này sẽ bó hẹp việc xã hội hóa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sau này.

Về quy định thu hồi rừng, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nên quy định thêm theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ, trong Chương 8 (quyền và nghĩa vụ của chủ rừng) cần có quy định về quyền hưởng lợi của các đối tượng có liên quan như người nhận giao khoán, người liên kết (đồng quản lý), cộng đồng dân cư gắn với rừng nhưng không phải là chủ rừng.

Trong Điều 19 của dự thảo luật có quy định “Chủ rừng được Nhà nước giao, cho thuê rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư không được cho tổ chức, cá nhân khác thuê những diện tích rừng đó”.

Với quy định này, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng, chỉ có doanh nghiệp mới nhìn thấy những lợi thế, tiềm năng của rừng ngoài gỗ. Nếu quy định “cấm” như vậy thì việc xã hội hóa về rừng sẽ làm được gì ?./.

>> Dự án JICA2 Ninh Thuận mang lại hiệu quả tích cực trong việc trồng, chăm sóc rừng phòng hộ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục