Cần lộ trình thu hồi xe máy cũ nát để kiểm soát khí thải

12:14' - 22/01/2021
BNEWS Với ô tô, Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ, tuy nhiên với xe máy lại chưa có nên hiện chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc.

Ngành Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng đề án “Nghiên cứu thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành” nhằm hạn chế lượng xe máy “quá đát”, thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Một giải pháp để thực hiện đề án được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị với Thành phố trong văn bản vừa ban hành vào đầu tuần này là triển khai thu hồi trên diện rộng xe máy cũ kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông e ngại trước tính khả thi của phương án này vì thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định cụ thể và ảnh hưởng đến nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Thiếu quy định, khó thu hồi
Theo văn bản ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ cộng đồng cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.
Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí khu vực đô thị, Bộ đề nghị riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải và đặc biệt là thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tính đến tháng 11/2020, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 7,5 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành, chiếm 95% trên tổng số lượng các loại phương tiện tham gia giao thông.

Những xe này chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra đến gần 60% khí thải trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới trên địa bàn Thành phố. Trong đó, khoảng 1/2 số lượng xe máy là xe đã sử dụng lâu năm; nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông, không đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật và là nguy cơ lớn gây ra tai nạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cần thiết; tuy nhiên, để thực hiện theo hướng thu hồi xe máy cũ nát lại có rất nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, Chính phủ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô khách và ô tô tải, trong đó ô tô khách là 20 năm, ô tô tải 25 năm. Các loại ô tô khác hay mô tô, xe gắn máy chưa có quy định về niên hạn sử dụng.
Ngoài ra, với ô tô, Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ, tuy nhiên với xe máy lại chưa có nên hiện chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc. Thậm chí, khái niệm “xe cũ nát” cũng không tồn tại chính thức trong các bộ luật liên quan. 

Muốn đánh giá tình trạng một chiếc xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và không đảm bảo an toàn phải thông qua cơ quan kiểm định uy tín là Cục Đăng kiểm thực hiện, chứ không thể vì xe quá niên hạn đánh giá ngay là “xe cũ nát”, không an toàn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có hai vấn đề chính khiến việc thu hồi xe cũ nát gặp khó khăn. Trước tiên, chiếc xe là tài sản của công dân, việc thu hồi là không đúng Hiến pháp. 

Tiếp đến, xe máy ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, hàng triệu người sử dụng xe máy là phương tiện mưu sinh, nhất là người dân nghèo chỉ có thể sử dụng xe máy cũ. 

Việc áp đặt một biện pháp quản lý nào đó đối với mô tô, xe gắn máy cần rất thận trọng do tính tác động xã hội rất lớn. Nếu muốn thu hồi, chính quyền cần phải có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý những vấn đề trên.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), ngay cả với ô tô hết hạn sử dụng, luật pháp cũng chỉ quy định cơ quan Công an thu hồi giấy đăng ký, biển số và cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường. Chủ xe có quyền giữ xe để trưng bày làm lưu niệm hoặc bán sắt vụn chứ cơ quan chức năng không thu hồi xe vì đây là tài sản của người dân, tổ chức.
Với xe máy, theo góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được.

Ngoài ra, muốn thu hồi xe máy cũ trước hết cần đặt ra tiêu chí về khí thải ra môi trường và tiêu chí an toàn khi lưu thông; khi có tiêu chí, cần có cơ quan chuyên môn kiểm định. Những điều này vẫn chưa được quy định rõ ràng trong luật hiện hành nên việc thu hồi xe máy cũ trên diện rộng như Bộ đề nghị là rất khó khăn.
Nên kiểm soát khí thải xe máy thay vì quy định niên hạn
Theo Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, do chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thu hồi tài sản người dân, Nhà nước phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có thể dựa trên quy định xe không đủ điều kiện an toàn, không được phép lưu thông. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, ở các bãi giữ xe của Công an và các bến xe trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, lượng xe vô chủ cũ nát bị bỏ lại vẫn chưa thể xử lý được. Câu hỏi đặt ra là nếu bây giờ Thành phố thu hồi thêm một lượng lớn xe nát đang lưu hành sẽ tập trung ở đâu, xử lý thế nào? Do đó, trước khi thu hồi, các đơn vị liên quan phải có phương hướng xử lý xe thu hồi cụ thể, có thể giao cho các doanh nghiệp xe máy tự thu hồi, xử lý xe của hãng mình.
Trong khi đó, Thạc sỹ Võ Văn Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không nên đặt vấn đề thu hồi dựa trên niên hạn xe mà chỉ cần bổ sung quy định để quản lý thông qua kiểm kê khí thải và yêu cầu kỹ thuật, nếu xe đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, dù sử dụng bao nhiêu năm vẫn được dùng.

Ngược lại, dù những xe mới mua, sử dụng chưa lâu nhưng chất lượng sản xuất kém, lượng khí thải xả ra vượt mốc quy định, dễ hư hỏng vẫn bị cấm lưu thông. Ngoài ra, chính quyền có thể xem xét đặt ra quy định về mức bảo hiểm, xe càng cũ, phí bảo hiểm càng cao, từ đó người dân sẽ cân nhắc về chi phí vận hành xe máy cũ với đầu tư phương tiện mới để tự bỏ xe cũ.
Bên cạnh quy định về kiểm định khí thải bắt buộc với xe máy, ông Phúc cho rằng, Nhà nước và các nhà sản xuất xe nên có chính sách, phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ, đổi xe mới để xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ như thu cũ đổi mới, mua xe trả góp, hỗ trợ lãi suất…

Người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách sẽ giảm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu về mặt chất lượng.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Giao thông Thành phố đang hướng đến quản lý xe máy dựa trên việc kiểm soát khí thải thay vì chỉ thu hồi dựa trên niên hạn sử dụng.

Về mặt kỹ thuật, làm được việc này không khó, chỉ cần trang bị một máy đo khí thải và phần mềm kết nối dữ liệu để tổng hợp. Nếu được chuẩn bị tốt, mỗi xe máy thường chỉ mất từ 3-5 phút để hoàn tất việc kiểm tra. Vấn đề đặt ra là chỉ với vài chục trung tâm kiểm định xe cơ giới trên địa bàn Thành phố hiện nay sẽ không thể đáp ứng được số lượng hàng chục triệu mô tô, xe máy.

Tuy nhiên, nếu có thể kết hợp sử dụng thêm các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các đơn vị lắp ráp, các hãng xe, hệ thống các cơ sở, trung tâm này sẽ trở thành nòng cốt để kiểm soát khí thải xe máy.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Sở Giao thông Vận tải Thành phố cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam đang xem xét, phối hợp và hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch khảo sát thực trạng sử dụng mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại một số điểm đại lý phục vụ bảo dưỡng trong nội thành và ngoại thành của các đơn vị; thống nhất các nội dung chi tiết, thời gian, biểu mẫu, hình thức khảo sát khi tiến hành kiểm tra để phục vụ đề xuất những giải pháp chính sách kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này. Sau đó, đề xuất nguồn kinh phí để thực hiện khảo sát.
Việc triển khai kiểm soát khí thải xe máy sẽ không thực hiện đồng loạt với toàn bộ xe đang lưu hành mà có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng rõ ràng cùng sự thống nhất của các bên liên quan. Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ, thực hiện việc kiểm soát. Nhà sản xuất lên phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ và xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ.

Với người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách sẽ giảm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu về mặt chất lượng. Điều quan trọng nữa cần tạo sự đồng thuận của người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền khi Nhà nước có chính sách kiểm soát khí thải./.

>>>Đề xuất cho người dân Hà Nội đổi xe máy cũ để bảo vệ môi trường


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục