Cần lưu ý gì về chính sách điều hành để cải thiện môi trường kinh doanh?

10:56' - 23/07/2018
BNEWS Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 với những thông tin khởi sắc và điểm số bình quân cao nhất kể từ trước tới nay đã phản ánh sự cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Những lưu ý về chính sách điều hành để cải thiện môi trường kinh doanh.

Ảnh minh họa: Ngọc Quỳnh/BNEWS.TTXVN

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 với những thông tin khởi sắc và điểm số bình quân cao nhất kể từ trước tới nay đã phản ánh rõ ràng sự cải thiện về môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam.

Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số này đã phản ánh vấn đề chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đang được cải thiện mạnh mẽ. Đây là tín hiệu tích cực về kết quả của nỗ lực phòng chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính mà Đảng, Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp tại các địa phương đang thực hiện.

Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua chỉ số hạ tầng được cải thiện; cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang cảm nhận tích cực hơn về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Bên cạnh nhiều điểm sáng mới nổi trong bảng thành tích PCI 2017, còn có một số tỉnh, thành dù điểm số tăng lên nhưng tốc độ còn chậm; thậm chí có nơi có xu hướng tụt hạng.

Điển hình như khu vực duyên hải miền Trung, điểm số PCI tổng hợp năm 2017 là 63,09 điểm, cao nhất và tăng liên tục so với các năm 2016 (59,80 điểm), năm 2015 (59,34 điểm) và năm 2014 (59,27 điểm), hay khu vực Tây Nguyên, điểm số PCI 2017 khu vực đạt 60,05 điểm tăng đáng kể so với năm 2016 (56,92 điểm) và cũng là điểm cao nhất đạt được từ năm 2014.

Tuy nhiên, tương quan với các khu vực khác, Tây Nguyên vẫn xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng (6/6) xuyên suốt 3 năm PCI 2015-2016-2017.

Trước thực trạng này và để cải thiện tích cực những chỉ số thành phần, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chính quyền các địa phương cần phải giảm thiểu những rào cản hậu đăng ký và tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Bởi lẽ, qua quá trình khảo sát, có 7% doanh nghiệp ở Tây Nguyên cho biết đã phải chờ thêm trên 3 tháng để hoàn tất giấy tờ chính thức đi vào hoạt động, trong khi trung bình các khu vực khác chỉ 2-3%.

Hay như có 14% và 18% doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung cho biết, nội dung thanh kiểm tra bị trùng lắp hay thanh kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu. Khu vực Tây Nguyên còn cao hơn, lần lượt là 15% và 24% là mức cao nhất cả nước...

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức. Vì trên thực tế, có 62% doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung và 65% doanh nghiệp Tây Nguyên cho biết có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính.

Do đó, chỉ số thành phần này trong bảng xếp hạng PCI 2017 của 2 khu vực trên lần lượt xếp hạng 5/6 và 6/6, thấp nhất cả nước.

Là người trực tiếp tiến hành việc điều tra và có nhiều tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI cho biết, doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh cần bình đẳng hơn.

Qua khảo sát, 48% doanh nghiệp trong 2 khu vực nêu trên cho biết, chính quyền các tỉnh và thành phố thường ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước.

Có 79% doanh nghiệp Tây Nguyên đồng ý với nhận định rằng nguồn lực kinh doanh chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp thân quen cán bộ, chính quyền... Chính vì lẽ đó, điểm số cạnh tranh bình đẳng của khu vực duyên hải miền Trung là 4,66 điểm, giảm so với năm 2016, đứng cuối cả nước.

Ngoài ra, để phát triển thêm doanh nghiệp mới, chính quyền các địa phương cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài; tập trung nâng cấp và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho tốt, chú trọng đào tạo lao động có chất lượng và nỗ lực nhiều hơn cải thiện thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi, chuyên nghiệp, tin cậy.

Ông Tuấn cho biết thêm, một trong những phát hiện quan trọng từ PCI ở một số tỉnh, thành phố trong nhiều năm qua là chất lượng điều hành có tương quan tỉ lệ nghịch với con số di cư thuần.

“Ở đâu có chất lượng điều hành tốt doanh nghiệp hoạt động thuận lợi thì ở đó tỉ lệ người dân phải bỏ quê về thành phố hay các tỉnh khác tìm việc làm ít đi. Chính vì vậy, việc ưu tiên xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân cần là ưu tiên quan trọng nhất của các tỉnh thành phố”, ông Tuấn nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, việc tăng cường liên kết giữa các tỉnh thành phố khu vực duyên hải miền Trung là một định hướng quan trọng. Trước hết là tăng cường liên kết trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục