Cân nhắc các mục tiêu phát triển với rủi ro thiên tai

15:00' - 27/06/2018
BNEWS Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như: thể chế, chính sách pháp luật để nâng cao hiệu quả trong phòng chống thiên tai.

Ngày 27/6, Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội nghị Tham vấn lần thứ hai khuyến nghị lồng ghép các nội dung Khung hành động toàn cầu Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai trong việc điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Khung hành động Sendai đặt ra 7 mục tiêu toàn cầu mà các quốc gia cần đạt được. Các mục tiêu này được chia thành 3 mục tiêu đầu vào (tiếp cận thông tin, hợp tác quốc tế, chiến lược quốc gia và địa phương đến năm 2020) và 4 mục tiêu đầu ra (số người chết, người bị ảnh hưởng, thiệt hại cơ sở hạ tầng quan trọng, tổn thất kinh tế).

Khung hành động Sendai cũng đặt ra 4 ưu tiên hành động. Dựa vào đặc điểm thiên tai và mục tiêu toàn cầu của khung Sendai, Việt Nam nỗ lực giảm thiểu tổn thất kinh tế do các loại hình thiên tai điển hình gây ra, đặc biệt là bão, lũ lụt và hạn hán, bằng cách tập trung và đầu tư phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Qua đó, Việt Nam đã xây dựng 6 chương trình ưu tiên. Đó là, nâng cao năng lực của các cơ quan trung ương, địa phương và cộng đồng; thiết lập thệ thống quản lý thông tin thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp và ưu tiên đầu tư dựa vào kế hoạch đã lập;

Thực hiện giảm nhẹ rủi ro thiên tai toàn diện đối với các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán; thực hiện các biện pháp phòng chống lũ quét và sạt lở đất; chuyển đổi cơ cấu sản xuất và sinh kế để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như: thể chế, chính sách pháp luật để nâng cao hiệu quả trong phòng chống thiên tai.

Các giải pháp quản lý thiên tai cần gắn với các giải pháp tổng hợp; ưu tiên quản trị rủi ro thiên tai; phải lồng ghép những rủi ro vào các cấp, các ngành và huy động sự tham gia của các cấp ngành.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá, những quan tâm đầu tư cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai còn lệch, nặng về các giải pháp đầu tư ứng phó.

Các giải pháp đầu tư cho giảm nhẹ vẫn chưa được quan tâm. Nhiều rủi ro thiên tai là do phát triển thiếu bền vững. Điển hình, nhiều cơ sở hạ tầng làm tăng rủi ro thiên tai cho thấy việc phát triển đô thị không lồng ghép với rủi ro thiên tai…, do đó, cần cân nhắc giữa các mục tiêu phát triển với giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đối với chương trình ưu tiên “Chuyển đổi cơ cấu sản xuất và sinh kế để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tachi Kenichiro, chuyên gia JICA cho rằng, Việt Nam cần thực hiện nghiêm các giải pháp ứng phó theo Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biển đổi khí hậu.

Theo đó, Việt Nam cần chủ động sống chung với thiên tai, chuyển đổi quan điểm “sống chung với lũ” thành “chủ động sống chung với lũ, ngập ứng, nước lợ và nước mặn”.

Mọi hình thức đầu tư phải đi kèm với hoạt động chuyển đổi lối sống nhằm thích ứng với điều kiện mới của môi trường do biến đổi khí hậu gây ra. Việc quy hoạch và thực hiện nhất quán tất cả các giải pháp trên quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông, bao gồm khu vực thượng nguồn thuộc các quốc gia khác.

Ông Tachi Kenichiro cho rằng, cần đầu tư hiệu quả dựa trên quy hoạch tổng thể. Theo đó, sử dụng phương pháp tích hợp đa ngành để xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”; nâng cấp hệ thống theo dõi biến đổi khí hậu và nước biển dâng và cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư hiệu quả các công trình tiêu thoát lũ, kiểm soát xâm nhập mặn, sạt lở và bảo vệ rừng ngập mặn.

Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp thông qua việc tích hợp công trình của các ngành khác nhau như kiểm soát lũ, giao thông, thủy lợi; bố trí lại dân cư và hạ tầng ven sông, kênh rạch nhằm tránh rủi ro thiên tai và duy trì hành lang sông ngòi.

Ông Takeya Kimio, cố vấn kỹ thuật của Chủ tịch JICA đánh giá, từ khi có Khung hành động Sendai, Việt Nam đã có sự chủ động và những nỗ lực trong cải thiện về thể chế để tăng khả năng chống chịu và tính bền bỉ đối với thiên tai. JICA mong muốn biết được những chiến lược cấp cao của Việt Nam dựa vào Khung hành động Sendai.

Trong khuôn khổ hành động này, 5 năm đầu JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam củng cố và hoàn thiện thể chế, xây dựng kế hoạch chiến lược và thực hiện. Sau đó, JICA tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam tăng cường về mặt chiến lược cũng như quá trình xây dựng kế hoạch ở địa phương. Bởi, nếu không có kế hoạch, chiến lược thì không thể thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến phòng chống, giảm nhẹ thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục