Cân nhắc quyền lợi người lao động khi xây dựng quy định rút bảo hiểm xã hội
Sáng 27/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và đã thu hút tới 77 đại biểu đăng ký tham gia thảo luận. Trong các nội dung, cử tri cũng như người lao động cả nước rất quan tâm đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được nêu trong Dự thảo Luật. Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến cũng như những trăn trở, băn khoăn của một số đại biểu về nội dung này.
* Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương: Tránh trục lợi chính sách
Nhiều nước trên thế giới không quy định bảo hiểm rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là phương án lý tưởng nhất vì các nước mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Trong khi nếu quy định cho rút bảo hiểm một lần thì việc mở rộng số người đóng bảo hiểm xã hội sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa thực hiện được điều này bởi thu nhập của người lao động Việt Nam còn đang rất thấp. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều người lao động gặp khó khăn, không có bất cứ một nguồn tiền nào để sinh sống. Quỹ tiền bảo hiểm xã hội gần như là tiền để dành của họ. Rút bảo hiểm xã hội một lần là việc cực chẳng đã đối với người lao động bởi họ phải phải sử dụng đến những đồng tiền dành dụm cuối cùng…
Hiện nay, nếu quy định cứng sẽ rất gây khó cho người lao động mà thay vào đó nên hài hòa. Quy định cho rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ dẫn đến lợi dụng trục lợi chính sách.
Người lao động nộp tiền bảo hiểm xã hội chỉ phải đóng 7% trong số lương của mình, người sử dụng lao động phải đóng 17%, nhưng người lao động được rút cả 25%. Như vậy, người lao động vẫn lợi hơn, nghĩa là họ đóng một khoản tiền nhưng được rút ra được gấp mấy lần tiền họ đã đóng.
Có những người chưa cấp bách đến mức độ phải rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng họ thấy có lợi, đặc biệt là hiện nay quy định số năm tham gia bảo hiểm bắt buộc tối thiểu ngắn hơn 15 năm.
Ví dụ, tính một người lao động tham gia bảo hiểm sớm, họ hoàn toàn có thể rút một lần. Sau đó lại tham gia và rút bảo hiểm xã hội để làm sao cuối cùng là đủ 15 năm nữa.
Bởi vậy, quy định “thoải mái” này sẽ dẫn đến trục lợi chính sách và không thể phát triển được hệ thống an sinh. Do đó, cả 2 phương án đưa ra trong Dự thảo Luật đều có bất cập, cần xem xét kết hợp.
Đối với những người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội mà không có nhu cầu tham gia nữa, họ được rút bảo hiểm xã hội một lần trước khi luật này có hiệu lực. Việc rút bảo hiểm xã hội trong trường hợp này thực hiện bình thường theo luật cũ. Tuy nhiên, sau khi luật có hiệu lực sẽ khống chế người lao động được rút không quá 50% số thời gian đã đóng.
Đơn cử như người lao động đóng bảo hiểm xã hội 20 năm chỉ được rút bảo hiểm xã hội trong vòng 10 năm, tức là 50 % thời gian đóng. Sẽ có sự ưu việt hơn khi phối hợp hai phương án trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, Dự thảo Luật mới chỉ đưa ra là được rút không quá 50% số thời gian đóng, nhưng số phần trăm trong thời gian đóng khác nhau sẽ khác cơ bản về số tiền.
Bởi khi mới tham gia bảo hiểm lương thấp, người lao động phải đóng bảo hiểm cũng ở mức thấp. Đến giai đoạn 10 năm sau, lương cao hơn, tham gia bảo hiểm phải đóng nhiều tiền hơn. Vậy luật quy định mức 50% là thời gian nào, giai đoạn đầu, giữa hay cuối cũng cần phải quy định rất rõ.
Tôi đề quy định trong giai đoạn đầu, nghĩa là người lao động mới tham gia (khoản tiền đóng chưa nhiều) thì họ có thể được rút khoản tiền đấy. Còn sau đó, 50% vẫn bảo lưu - không phải đóng góp tiền cho ngân sách nhà nước mà để giữ cho người lao động vẫn còn được tham gia hệ thống an sinh.
Khi rút bảo hiểm một lần, người lao động mới chỉ nghĩ đến cái trước mắt cần một khoản tiền. Nhưng giai đoạn về sau, họ sẽ không có “chân” trong hệ thống an sinh và mất rất nhiều quyền lợi. Tôi cho rằng, cần tính toán thống nhất, tránh sự xáo trộn.
* Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn Thanh Hóa: Đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi hết tuổi lao động
Bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh xã hội lớn, quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động sau này.
Trong Dự thảo Luật Luật Bảo hiểm xã hội, phương án 2 - người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đã thu hút sự quan tâm của người dân.
Nhưng nếu quy định để cho người lao động tham gia bảo hiểm được rút bảo hiểm xã hội một lần không quá 50 % thì cần cân nhắc thêm. Bởi người lao động mà rút bảo hiểm thì sau này hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống khi họ hết tuổi lao động. Bởi với phương án rút không quá 50% thì số tiền này cũng không lớn, có thể giải quyết được một phần nào nhu cầu của người lao động nhưng số tiền còn lại rất ít.
Tuy nhiên, tôi thống nhất với phương án 1. Phương án này người lao động được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy, với quy định này sẽ giúp giữ chân người lao động để sau này khi hết tuổi lao động vẫn đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Nhưng muốn thực hiện được chính sách này, cần phải có những quy định thông thoáng hơn để tạo điều kiện giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập trước mắt của người lao động.
Đặc biệt, cần có những quy định hoặc cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho người lao động một cách kịp thời khi họ gặp khó khăn. Có thể quy định, khi người lao động gặp khó khăn có thể tiếp cận với các chính sách ưu đãi một cách thuận tiện nhất để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Hoặc có những cơ chế hỗ trợ để khuyến khích, tạo điều kiện người lao động được học tập, chuyển đổi nghề.
Bên cạnh đó, cần có nhiều biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài để giúp người lao động vượt qua khó khăn, hướng tới những công việc ổn định hơn trong tương lai. Có như vậy người lao động mới an tâm, hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trên thực tế, rút bảo hiểm xã hội một lần xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân quan trọng là do việc làm, đời sống của người lao động rất khó khăn thì họ mới rút bảo hiểm xã hội một lần.
* Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn Hà Tĩnh: E ngại việc ồ ạt rút bảo hiểm 1 lần
Thực tiễn thời gian qua cho thấy việc rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề gây khó khăn cho ngành bảo hiểm xã hội nói chung cũng như người lao động nói riêng. Chính vì vậy, việc quyết định cơ chế này trong Luật Bảo hiểm xã hội cần cân nhắc và thận trọng.
Hiện có tâm lý lo lắng, nếu cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần sợ ồ ạt rút. Luật phải hài hòa để hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi thực chất là do quá khó khăn nên người lao động mới rút bảo hiểm xã hội một lần và thiệt thòi vẫn thuộc về họ.
Do đó, cần tập trung tuyên truyền để người lao động biết, nếu rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ rất thiệt thòi. Bên cạnh đó, cần có quy định trong luật để hạn chế người rút bảo hiểm xã hội một lần. Nếu có rút thì cũng còn trừ lại một phần để sau này tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Luật nên thiết kế như vậy.
Mặt khác, có thể nghiên cứu để “trộn” giữa 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội để chọn ra phương án tối ưu nhưng nên hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thêm một nội dung nữa cần quan tâm là hiện nay vẫn còn một số điều trong Luật Bảo hiểm xã hội quy định theo mức lương cơ sở. Trong khi đó, từ 1/7 không còn mức lương cơ sở, trong Dự thảo Luật cũng đưa ra mức tham chiếu nhưng cụ thể và cách tính lại chưa có.
Cho nên, cần xem xét có thể lùi một kỳ nữa để thảo luận thật thấu đáo, sau khi thực hiện cải cách tiền lương khi đã có tác động từ việc cải cách này mới biểu quyết luật sẽ phù hợp hơn và giải quyết nhiều vấn đề luật đang đặt ra.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Nghị quyết 43 giúp Việt Nam “hạ cánh mềm”
11:42' - 25/05/2024
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, việc ban hành Nghị quyết 43 hết sức kịp thời, hợp lòng dân.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Chất vấn 4 nhóm vấn đề
14:00' - 24/05/2024
Phiên chất vấn diễn ra từ ngày 4-6/6 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.
-
Kinh tế Việt Nam
Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng chống cháy nổ
13:42' - 24/05/2024
"Đối với nhà cho thuê trọ thì cần cấm kinh doanh, điều này có thể hơi chặt chẽ, nhưng đấy là giải pháp hữu hiệu để phòng chống cháy nổ".
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Chính quyền địa phương 2 cấp phải vận hành thông suốt và đồng bộ
14:22'
Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương 2 cấp phải vận khẩn trương, hiệu quả, với phương châm “làm việc nào dứt việc đấy, làm việc nào ra việc đấy; tạo sự thông suốt, chuyên nghiệp và đồng bộ”.
-
Kinh tế Việt Nam
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 - vòng đối thoại địa phương
14:11'
Sáng 13/7, tại Lạng Sơn, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 - vòng đối thoại địa phương, Cụm miền núi Đông Bắc Bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố ĐBSCL
10:45'
Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại Cần Thơ, bàn về chính quyền địa phương 2 cấp, tiến độ dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội tăng tốc kích cầu du lịch: Mùa vàng bứt phá
09:27'
Trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội đã đón khoảng 15,56 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
-
Kinh tế Việt Nam
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật tuần qua
09:08'
Trong tuần qua, kinh tế Việt Nam có các thông tin nổi bật như xe máy xăng sẽ không được chạy trong Vành đai 1 từ 1/7/2026, chỉ số VN30 lập đỉnh lịch sử, Vietnam Airlines đón hành khách thứ 350 triệu.
-
Kinh tế Việt Nam
Ùn tắc giao thông kéo dài, BOT cầu Rạch Miễu liên tục xả trạm
19:34' - 12/07/2025
Chiều 12/7, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã tiến hành xả trạm nhiều lần để giảm ùn tắc kéo dài theo yêu cầu của Cảnh sát giao thông.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến rõ rệt nhờ loạt giải pháp quyết liệt
16:10' - 12/07/2025
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến rõ rệt nhờ hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Phòng giữ vững vai trò đầu tàu phát triển phía Bắc
15:42' - 12/07/2025
Ngày 12/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng triệu tập tổ chức Hội nghị Thành ủy lần 2 cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đôn tốc tiến độ dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
13:53' - 12/07/2025
Ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trực tiếp khảo sát, kiểm tra công trình đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.