Cần phân biệt rõ co giật lành tính và co giật bệnh lý của trẻ

15:54' - 17/08/2017
BNEWS Co giật là một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh cần phân biệt rõ co giật lành tính và co giật bệnh lý để có cách xử trí kịp thời.

Bác sỹ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trẻ co giật là tình huống cấp cứu phổ biến nhất mà đơn vị này tiếp nhận mỗi ngày. Trung bình một ngày có khoảng 10 trẻ phải vào cấp cứu vì co giật. Như vậy mỗi năm có khoảng 300 trẻ bị co giật phải cấp cứu và khoảng 80% trong số đó là co giật do sốt cao.

Co giật do sốt được xem là co giật lành tính, thường là các cơn co giật ngắn, kéo dài khoảng 2 phút và tự động hết sau đó. Sau khi co giật, trẻ tỉnh táo bình thường và không để lại di chứng gì. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ em từ 5 tháng đến 6 tuổi.

Bên cạnh co giật do sốt, khoảng 20% trường hợp trẻ co giật không sốt, thường có liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm khuẩn của hệ thần kinh trung ương. Theo bác sỹ Nguyễn Quang Vinh, chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đây mới là tình trạng co giật nguy hiểm nhất bởi có thể khiến trẻ bị liệt nửa người, ngưng thở, phải thở máy hoặc nặng hơn là hôn mê.

Trường hợp này là do trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não hoặc một số bệnh lý khác như rối loạn điện giải, chấn thương sọ não...

Bác sỹ Vinh cũng cho biết, khi trẻ bị co giật, nếu do sốt thì cần hạ sốt ngay tức thời bằng cách đặt thuốc hậu môn, lau mình bằng nước ấm. Sau khi hạ sốt, nên cho trẻ nằm gối đầu cao và nghiêng qua một bên để nước bọt, dãi nhớt trong miệng trẻ chảy ra tránh tắc nghẽn đường thở, sau đó đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khi trẻ bị co giật, nhiều bậc phụ huynh đã có cách xử lý theo dân gian như lấy chanh vắt nước vào miệng trẻ. Bác sỹ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo đó là quan niệm sai lầm và rất nguy hiểm bởi nước chanh không có tác dụng giảm co giật và nước chanh, vỏ chanh, hạt chanh có thể rơi vào đường thở khiến trẻ không thở được và tử vong.

Dẫn chứng cụ thể, bác sỹ Phương cho biết đã từng tiếp nhận một trường hợp phụ huynh vắt chanh vào miệng trẻ khi trẻ sốt co giật khiến nước chanh rơi vào phổi và trẻ ho sặc sụa, tím tái. Rất may trẻ được đưa vào cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, sau đó trẻ phải điều trị thêm bệnh viêm phổi trong thời gian dài do phụ huynh xử trí không đúng cách.

Các bác sỹ cảnh báo, khi trẻ bị co giật tuyệt đối không cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ. Thông thường khi trẻ lên cơn co giật thường ngậm chặt miệng, do đó phụ huynh nên lấy một chiếc đũa, quấn vải mềm, kề vào lưỡi để miệng trẻ mở cho đờm nhớt chảy ra, lưu thông đường thở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục