Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa

19:40' - 02/08/2021
BNEWS Hải Phòng ban hành quy định "cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi qua Hà Nội", khiến việc vận tải hàng hóa vào tình trạng khó khăn.

 

Đã qua 3 ngày kể từ khi Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo số 5187/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Văn bản nêu rõ hai nội dung quan trọng: không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông Vận tải cấp vận chuyển hàng hóa (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định).

Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn phải thực hiện kiểm tra khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện; người chở hàng hóa lưu thông phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, qua 3 ngày thực hiện chỉ đạo trên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít vướng mắc.

*Vẫn còn vướng mắc

Nằm trong chuỗi cung ứng quan trọng của khu vực phía Bắc, Hải Phòng là cửa ngõ cho hàng hóa, nguyên, vật liệu vào, ra. Từ chỗ thắt chặt kiểm soát phương tiện hàng hóa ra vào thành phố, vào ngày 19/7, đến trưa 20/7, thành phố đã có những động thái nới lỏng hơn.

Tuy nhiên, ngày 24/7, Hải Phòng ban hành quy định "cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi qua Hà Nội", bất kể diện đối tượng nào, đặt hoạt động vận tải hàng hóa giữa Hà Nội - Hải Phòng vào tình trạng khó khăn.

Trước những phản ánh của lái xe và doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của báo chí, chiều 25/7, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ không áp dụng cách ly 14 ngày với lái xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Hà Nội về, nhưng trường hợp này sẽ cần có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại thông báo số 5187/VPCP-CN như một cứu cánh cho doanh nghiệp khi hy vọng từ 0 giờ ngày 30/7 trở đi, họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí cho việc xét nghiệm RT-PCR. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Hải Phòng vẫn thực hiện quy định: tất cả lái xe phải có test RT-PCR mới được vào thành phố.

 

Sáng 1/8, bà Phạm Thu Xanh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hải Phòng đã lưu ý các chốt kiểm soát chặt chẽ tất cả những người trên các xe container, xe chở hàng, chỉ những người có xét nghiệm RT- PCR âm tính của những vùng không bị cách ly theo Chỉ thị 16 mới được vào thành phố, bởi, tối 31/7, đã có những xe container chở hàng chục người chạy dịch trốn ở trong. Những người khác đến các địa phương đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 đều phải đưa đi cách ly tập trung.

Ý kiến một lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, lái xe nào lợi dụng việc vận tải hàng hóa để đưa người vào Hải Phòng bất hợp pháp phải xử lý, chứ không thể bắt tất cả cùng phải chịu cảnh này.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng “thực hiện ngay như thế doanh nghiệp vận tải không kịp trở tay, vì doanh nghiệp không thể bố trí test RT-PCR 100% được. Một số lái xe của doanh nghiệp này dù đã test nhanh nhưng vẫn phải cho xe quay đầu sau khi chờ 7 tiếng đồng hồ để di chuyển được tới chốt. Đây cũng là nguyên do khiến hai ngày nay, khu vực chốt kiểm soát ga Dụ Nghĩa (Hải Phòng) hướng từ thị trấn Phú Thái về Hải Phòng thường xuyên tắc nghẽn. Thậm chí, chốt này còn chỉ đồng ý test RT-PCR có giá trị 48 giờ thay vì 72 giờ, quá thời hạn trên, các xe phải quay đầu.

Cùng với yêu cầu phải có giấy xét nghiệm RT-PCR là cảnh ăn chực, nằm chờ của hàng trăm lái xe, nhằm có một tờ giấy (dùng được tối đa 3 ngày) chứng minh lái xe "không mắc dịch". Điểm xét nghiệm tại Đình Vũ, đầu Quốc lộ 5B sáng 2/8 có đến cả trăm lái xe chen chúc xếp hàng từ tờ mờ sáng để làm xét nghiệm, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, cảnh này diễn ra hàng ngày, trừ Chủ nhật là mật độ xét nghiệm có giảm. Tại cụm cảng và các khu công nghiệp Hải Phòng hiện có hơn 23.000 lái xe chạy hàng liên tục, với tần suất xét nghiệm 72 giờ/lần. Tại 35 cơ sở xét nghiệm, tính ra, trung bình mỗi cơ sở xét nghiệm cho gần 700 người nên việc đông đúc là khó tránh và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

*Nỗi lo đình trệ sản xuất

Công văn số 6380/UBND-NN1 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ cho thấy những quy định khiến doanh nghiệp gặp khó. Tỉnh này yêu cầu, công dân các tỉnh khác đi vào, đi qua Vĩnh Phúc phải có kết quả xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đi vào, đi qua tỉnh. Riêng đối với những người đi vào tỉnh từ vùng dịch (hiện tại đang bị phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch, giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ) và ở lại tỉnh phải có kết quả xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời, thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo quy định.

Chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đi -về hằng ngày từ tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương khác phải ở lại tỉnh Vĩnh Phúc cho đến khi dịch bệnh tại các địa phương lân cận được khống chế, kiểm soát. Trước khi nghỉ lại Vĩnh Phúc phải xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ, nếu là người đến vùng dịch đồng thời phải thực hiện cách ly y tế tập trung 21 ngày.

Quy định trên của Vĩnh Phúc khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng khi không đủ điều kiện để bố trí cho chuyên gia, cán bộ, người lao động từ Hà Nội lên làm việc và ở tại nhà máy, việc cách ly 21 ngày sẽ khiến đình trệ sản xuất.

Theo chỉ đạo Phó Thủ tướng, xe vận chuyển hàng hóa phục vụ cho sản xuất không nhất thiết phải có giấy nhận diện “luồng xanh”. Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn phải thực hiện kiểm tra khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.

Tuy nhiên, văn bản của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn yêu cầu: các xe vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu; cung cấp nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh phải được cấp phép “luồng xanh”, lái xe, người đi cùng trên xe phải xuất trình giấy xác nhận xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ, phun khử khuẩn y tế phòng, chống dịch trước khi vào tỉnh.

Theo phản ánh của một số lái xe, văn bản của Vĩnh Phúc chỉ nêu chung chung là lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ. Song, trên thực tế, các chốt trên địa bàn vẫn đòi hỏi lái xe phải có giấy xét nghiệm RT-PCR mà không chấp nhận giấy test nhanh.

Ngoài Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương cũng đang áp quy định người ra, vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR có giá trị trong vòng 72 giờ. Lái xe 15C-19xxx cho biết, sáng 31/7, anh điều khiển xe đi tuyến Quốc lộ 5A vẫn bị lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát dịch Tiền Trung (thành phố Hải Dương) yêu cầu giấy test RT-PCR.

Theo thông tin phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, ngay cùng trong một tỉnh nhưng quy định thực hiện cũng khác nhau, chẳng hạn ở Quảng Ninh, địa phương này đồng ý cho lái xe đã có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 được vào địa bàn, nhưng tới thành phố Móng Cái lại bắt buộc phải test RT-PCR. Nếu lái xe không có giấy test RT-PCR sẽ được lấy mẫu test tại chỗ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục