Cần Thơ khuyến khích hợp tác xã xây dựng thương hiệu lúa gạo

16:30' - 28/05/2024
BNEWS Ngày 28/5, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đi thăm, làm việc với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các hợp tác xã tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo để nâng cao giá trị sản phẩm vì chỉ khi xây dựng được thương hiệu, có thể truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý mới giúp ngành hàng lúa gạo nói riêng và các loại nông sản nói chung nâng cao được giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cần đầu tư công nghệ, mua sắm máy móc để mở rộng hoạt động, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

 

Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) và Hợp tác xã New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) là hai hợp tác xã đang áp dụng nhiều máy móc, thiết bị và quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Các hợp tác xã này đều thực hiện thu gom rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa để trồng nấm rơm, sản xuất phân bón hữu cơ và phục vụ các mục đích sử dụng khác nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, tránh tình trạng đốt rơm trên đồng.

Trong đó, Hợp tác xã Thuận Tiến là hợp tác xã đầu tiên ở thành phố Cần Thơ thực hiện thí điểm cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thuộc Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (Đề án 1 triệu ha lúa).

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến cho biết, mô hình mẫu 50 ha đầu tiên được triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến áp dụng các quy trình canh tác bền vững như: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ; áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa.

Mô hình ở Hợp tác xã Thuận Tiến được ngành nông nghiệp kỳ vọng thành công rất cao, đáp ứng được mục tiêu sản xuất lúa giảm phát thải thấp, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân. Từ mô hình mẫu, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sản xuất để có chỉ đạo nhân rộng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Trong khi đó, Hợp tác xã nông nghiệp New Green Fram ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt có 40 thành viên với diện tích hơn 40 ha và thực hiện dịch vụ nông nghiệp cho 101 hộ nông dân với diện tích gần 150 ha.

Xã viên hợp tác xã thu gom rơm từ sản xuất lúa để sản xuất nấm rơm. Phụ phẩm rơm sau trồng nấm được sản xuất thành phân hữu cơ. Mô hình được thực hiện từ năm 2022 với sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI và Trường Đại học Cần Thơ cùng hệ thống nông nghiệp địa phương.

Sản phẩm phân rơm hữu cơ phục vụ trở lại cho ruộng lúa, rau màu và cây ăn trái, góp phân tận dụng nguồn rơm tại địa phương, tránh tình trạng đốt đồng, góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người nông dân.

Mô hình có sử dụng ứng dụng cơ giới hóa khâu đảo trộn phù hợp với quy mô và sản lượng lớn, tiết kiệm 40-60% chi phí thuê nhân công khi mở rộng quy mô, bổ sung nguồn vi sinh vật có lợi giúp làm tăng nhanh quá trình phân huỷ rơm rạ.

Ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc Hợp tác xã New Green Farm cho biết, phân rơm hữu cơ được dùng để bón cho lúa, rau màu và cây ăn trái. Đối với cây lúa, áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình "1 phải 5 giảm" có kết hợp bón phân hữu cơ từ rơm giúp nông dân giảm 40% phân đạm hoá học, chi phí đầu tư giảm gần 1,7 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận tăng 3,5 triệu đồng/ha/vụ.

Trên cây rau màu đã áp dụng phân hữu cơ trong sản xuất ớt, dưa chuột, mướp đắng, rau ăn lá... Ghi nhận kết quả bước đầu giảm được 30 - 40% phân đạm cho cây; đồng thời, cây sinh trưởng phát triển tốt, thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất tăng 10%. Cây ăn trái cũng ghi nhận kết quả tương tự; đồng thời, giúp cải thiện độ tơi xốp của đất.

"Mô hình này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính", Giám đốc Hợp tác xã New Green Farm chia sẻ và cho biết mô hình tận dụng được toàn bộ phụ phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập từ bán rơm, nấm rơm, phân hữu cơ. Hiện tại, mô hình đang được nhiều tỉnh, thành trong nước tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển mô hình tai địa phương.

Tham quan thực tế các mô hình, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao nỗ lực của các hợp tác xã, nông dân, khắc phục khó khăn để nhân rộng, phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính, cũng như các mô hình, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho mình.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Sở Công Thương cùng các cấp, các ngành chức năng thành phố và địa phương cần sớm rà soát, đúc kết kinh nghiệm từ các mô hình ở Hợp tác xã Thuận Tiến và Hợp tác xã New Green Farm để có giải pháp đẩy mạnh nhân rộng, phát triển mô hình; kịp thời nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, về máy móc công nghệ... giúp nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính ngay trong vụ Thu Đông 2024 tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục