Cần Thơ: Một số chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP chưa có hồ sơ phát sinh

14:55' - 28/08/2021
BNEWS Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ, đến thời điểm này, vẫn còn một số chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP chưa có hồ sơ phát sinh.

Các cấp, các ngành ở Cần Thơ thường xuyên, liên tục thông tin, tuyên truyền các chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đến người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.

Các sở, ngành, cơ quan có thẩm quyền cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân được biết và thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn một số chính sách chưa có hồ sơ phát sinh hoặc đối tượng được thụ hưởng từ các chính sách còn ít.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ, đến ngày 27/8, có 9/12 chính sách thuộc Nghị quyết 68/NQ-CP có đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, có 3.650 người sử dụng lao động và 76.783 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (chính sách 1, 2) với số tiền trên 37,2 tỷ đồng.

Đã có 7.348/9.307 người thuộc nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP) được nhận hỗ trợ với kinh phí trên 9,1 tỷ đồng (đạt 78,95% so với số lượng được phê duyệt).

Riêng nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11), trong ngày 27/8, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ đã giải ngân cho hai doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 227 người lao động với số tiền 907 triệu đồng.

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Cần Thơ cho biết, thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP với phương châm chi đúng, chi đủ, kịp thời, chính xác, không bỏ sót đối tượng. Đến nay, Cần Thơ chưa xảy ra trường hợp sai phạm liên quan đến việc thực hiện các chế độ hỗ trợ.

Trong quá trình thực hiện hỗ trợ các nhóm chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, do tình hình diễn biến khá phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện quyết liệt các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nên ít nhiều đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Bên cạnh đó, một số cán bộ của ngành từ cấp xã đến cấp huyện trong khu vực phong tỏa, khu cách ly y tế nên ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ. Tiến độ chi sau khi có quyết định phê duyệt ở một số chính sách còn chậm do một số đối tượng đang cách ly y tế tập trung, đang trong khu phong tỏa.

Ngoài ra, thời gian thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được kéo dài nên nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới thực hiện, chưa chủ động thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia nên số lượng ở một số chính sách còn ít hoặc chưa phát sinh.

Bà Trần Thị Xuân Mai cũng nêu một số chính sách có đối tượng nhận hỗ trợ còn ít, có chính sách chưa có hồ sơ phát sinh.

Đơn cử như đối tượng thuộc chính sách 3 (hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động) và chính sách 5 (hỗ trợ người lao động ngừng việc) chưa phát sinh hồ sơ; chính sách 4 (hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương), chính sách 6 (hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp), chính sách 8 (hỗ trợ tiền ăn đối với người là F0 và F1), chính sách 11 (cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất) ít đối tượng được nhận hỗ trợ.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ lý giải sở dĩ chính sách 5 chưa có hồ sơ phát sinh do quy định người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và đồng thời phải thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa nên thực tế đối tượng thỏa mãn cả hai điều kiện là không nhiều.

Trong khi đó chính sách 3, do đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại về tay nghề cho người lao động khó thực hiện về thời gian thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp không bố trí được.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chuẩn bị chu đáo, điều kiện cơ sở vật chất (hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền mạng Internet), năng lực giáo viên còn hạn chế, trong khi đó nhiều học sinh, sinh viên ở vùng khó khăn, gia đình không có điều kiện về máy tính, điện thoại để học tập.

Mặt khác, đào tạo trực tuyến chỉ thực hiện được đối với một số nội dung môn học lý thuyết, trong khi thực hành chiếm 70% thời gian đào tạo nên đào tạo trực tuyến kéo dài sẽ gây khó khăn lớn trong thực hiện kế hoạch của năm học.

Việc tổ chức đào tạo chuyển từ trực tiếp sang online, trực tuyến đã khiến cho chi phí đào tạo của các trường tăng cao, toàn bộ chương trình đào tạo bị xáo trộn, gây phát sinh thêm nhiều chi phí để xây dựng, thiết kế lại chương trình.

Đối với chính sách 5 (hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương) số lượng thực hiện còn ít. Chỉ mới có người lao động ở 5/9 huyện, quận được phê duyệt chính sách này với tổng số 444 người được phê duyệt, tổng số kinh phí trên 1,46 tỷ đồng. Và trong số này, chỉ có 124 người đã nhận hỗ trợ, với số tiền trên 380 triệu đồng.

Do quy định tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên một số doanh nghiệp và địa phương còn lúng túng, chưa xác định được chính xác đối tượng; ngoài ra, trên thực tế có rất nhiều người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động do doanh nghiệp thu hẹp quy mô, thực hiện 3 tại chỗ (không phải dừng hoạt động) nên không đủ điều kiện theo quy định.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người là F0 và F1 (chính sách 8), số lượng thực hiện còn ít do đối tượng được đưa vào khu cách ly phần lớn là của địa phương phát hiện qua xét nghiệm nhanh sàng lọc trong cộng đồng nên đưa vào khu cách ly thời gian không cùng một thời điểm.

Còn phụ thuộc vào việc xét nghiệm định kỳ nên nguy cơ chuyển từ F1 sang F0 rất có thể xảy ra do vậy nếu xảy ra mà đã trình kinh phí hỗ trợ thì phải trình thêm kinh phí bổ sung vì thời gian để tính mức chi tiền ăn cho từng đối tượng F0 nhiều hơn F1.

Đối với chính sách 11, do thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố, hầu hết các doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động nên chưa liên hệ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ để làm các thủ tục vay vốn.

Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng thuộc nhóm chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 68/NQ-CP, bà Trần Thị Xuân Mai cho biết Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của từng chính sách, báo cáo Thành ủy Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ và đề xuất hướng khắc phục.

Đồng thời, Sở đã và đang liên hệ với người sử dụng lao động thuộc các chính sách chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ (chính sách 3, 5, 10) để nắm các khó khăn, vướng mắc và có hướng khắc phục kịp thời.

Bà Trần Thị Xuân Mai cũng cho biết, Sở đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ tại điểm 4, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đối với các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, giảm số lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ".

Hiện nay, một số doanh nghiệp vì quá khó khăn phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất, hoặc doanh nghiệp không đáp ứng được phương án "3 tại chỗ" theo hướng dẫn của UBND thành phố nên tự đóng cửa (doanh nghiệp không có quyết định “tạm dừng hoạt động” của cơ quan chức năng) nên Bảo hiểm xã hội không tiếp nhận hồ sơ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục